Ứng dụng thuyết minh khám phá du lịch Việt Nam

Khám phá lịch sử, văn hóa, con người và cảnh đẹp Việt Nam trên ứng dụng du lịch Travelviet

Tải ứng dụng Travelviet

Logo Travelviet

Sở chỉ huy tiền phương Phân khu 6 trong chiến dịch Mậu Thân 1968

Sở chỉ huy tiền phương Phân khu 6 trong chiến dịch Mậu Thân 1968

Sở chỉ huy Tiền phương - Phân khu 6 (Đặc khu Sài Gòn - Gia Định) quyết định dùng tiệm phở Bình làm trụ sở tập kết các chiến sĩ, cán bộ để truyền đạt mệnh lệnh trong cuộc Tổng tiến công và Nổi dậy xuân Mậu Thân 1968. Ông Nguyễn Văn Tri, người được phân công phụ trách Sở chỉ huy Tiền phương đã báo cáo tình hình, động viên, bố trí công việc cho anh chị em tại đây, trao đổi với các cụm, rà soát lại các hầm ém vũ khí và các hợp đồng nhận vũ khí. Di tích là tiệm phở Bình, số 7 đường Yên Đỗ (nay là đường Lý Chính Thắng), phường 8, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh. Đó là căn nhà phố: 1 trệt, 3 lầu và 1 sân thượng. Mặt bằng tầng trệt có diện tích: 4m x 19m nở hậu, giữa có cầu thang bằng đá rửa. Phần trệt dùng làm tiệm phở, theo thiết kế bếp nấu chiếm nửa hành lang mặt tiền. Bên trong bố trí bàn ăn thực khách, chừa lối đi ở giữa. Cách ly nhà bếp, nhà vệ sinh, hồ nước với phòng thực khách có thang lầu dẫn lên tầng 1,2,3. Mỗi tầng được chia làm 2 phòng: phòng phía trước (có diện tích 3m x 3,5m) và phòng phía sau (có diện tích 3m x 4m). Một thang sắt bắc lên sân thượng. Mỗi lầu đều có hàng ba phía trước có kích thước 1,2m x 4m che chắn bên ngoài bằng tấm sáo trúc. Tiệm phở nằm trong trung tâm dân cư, rộng thoáng, khách ăn tương đối đông nên đơn vị biệt động dùng làm cơ sở liên lạc, tiếp nhận tài liệu. Ba chiến sĩ trong đội biệt động cũng được bố trí trong vai người giúp việc tại tiệm phở. Từ năm 1967, đã có nhiều cán bộ, chiến sĩ đến trú tại tiệm phở Bình công tác hoặc hội họp vài ngày. Khoảng một tháng trước Tết Mậu Thân, ông Hai Trí đến tiệm phở chỉ thị cho ông Ngô Toại gấp rút dự trữ lương thực cho khoảng 100 người dùng trong 1 tháng. Chấp hành mệnh lệnh, ông Ngô Toại tích trữ một số lương thực, thực phẩm (lương khô, đồ hộp, gà, vịt sống ...) Đêm ba mươi Tết Mậu Thân (năm 1968), chỉ huy các đơn vị biệt động thuộc Phân khu 6 đã tập kết tại nhà số 7 Đường Yên Đỗ chuẩn bị nhận nhiệm vụ: Đồng chí Tư Chu (Nguyễn Đức Hùng) được cử giữ chức Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Phân khu 6; Hai Trí (Nguyễn Văn Trí) - Chính trị viên cụm J9 (A30, đơn vị bảo đảm chiến đấu); Ba Đen (Ngô Thành Vân) - Đội trưởng A30, Đội trưởng đội biệt động 11 trong đợt 1 chiến dịch (đơn vị đánh tòa Đại sứ quán Mỹ); Ba Phong (Đỗ Tấn Phong) - Chỉ huy trưởng Cụm Biệt động 679 (trong đợt 1 chiến dịch);… cùng các cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ chuyên chở vũ khí, thông tin - cơ yếu và quân y. Mùng một Tết Mậu Thân (ngày 30 tháng 01 năm 1968), đồng chí Ba Thắng (Võ Văn Thành) - Chính ủy Phân khu 6 đến Sở Chỉ huy để chỉ đạo các đơn vị. Đêm mùng một Tết, trên tầng ba ngôi nhà, cán bộ, chiến sĩ, cơ sở, Ban Chỉ huy các cụm, các đội biệt động, các đơn vị phục vụ đã tập hợp đông đủ, chờ mệnh lệnh tiến công. Lúc 23 giờ 30 phút, thay mặt Bộ Chỉ huy Phân khu 6, đồng chí Ba Thắng đã đọc lời hiệu triệu của Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam, phổ biến giờ và phát lệnh cho các cụm biệt động làm nhiệm vụ xung kích, tiến công các mục tiêu đầu não của đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai tại Sài Gòn. Sáng mùng hai Tết Mậu Thân, nhận thấy có dấu hiệu cơ sở đã bị lộ, đồng chí Ba Thắng ra lệnh phân tán lực lượng tại đây, riêng các đồng chí hoạt động hợp pháp tiếp tục ở lại. Sáng mùng ba Tết Mậu Thân, khi các đồng chí chỉ huy đã rời khỏi, quân đội Sài Gòn bao vây tiệm Phở Bình, bắt hai vợ chồng đồng chí Ngô Toại, con gái, con rể và 13 cán bộ, chiến sĩ liên lạc còn ở lại theo yêu cầu nhiệm vụ. Đồng chí Ngô Toại bị địch tra tấn hết sức dã man trong 20 ngày vẫn không khai nhận điều gì. Đồng chí bị đày ra Côn Đảo và giữ lòng trung kiên với cách mạng cho đến lúc được trao trả tù binh sau Hiệp định Pa-ri 1973. Di tích cơ sở bí mật này của lực lượng Biệt động Thành là nơi phát lệnh tổng tiến công cho các đơn vị biệt động và lực lượng nổi dậy nội thành, ghi lại dấu mốc lịch sử quan trọng của Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 tại Sài Gòn – Gia Định. Di tích còn là sự thể hiện tấm lòng yêu nước của nhân dân nội thành và tinh thần dũng cảm, bất khuất của các cán bộ, chiến sĩ cách mạng, đặc biệt là của lực lượng Biệt động Thành trong xây dựng lực lượng và chiến đấu. Di tích đã được Bộ Văn hóa công nhận là di tích lịch sử qua quyết định số 1288 - Văn Hóa /Quyết Định ngày 16/11/1988. Nguồn Trang thông tin điện tử quận 3, thành phố Hồ Chí Minh.

TP Hồ Chí Minh 209 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia.

Mở cửa

Điểm di tích nổi bật

Điểm du lịch tại TP Hồ Chí Minh

Khách sạn tại TP Hồ Chí Minh