Ứng dụng thuyết minh khám phá du lịch Việt Nam

Khám phá lịch sử, văn hóa, con người và cảnh đẹp Việt Nam trên ứng dụng du lịch Travelviet

Tải ứng dụng Travelviet

Logo Travelviet

Di tích lịch sử

Việt nam

Tháp Thủ Thiện

Tháp Thủ Thiện là một ngôi tháp cổ Chăm Pa hiện nằm ở bờ nam sông Côn, thuộc địa phận làng Thủ Thiện, xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định Đến nay thì tháp vẫn còn khá nguyên vẹn. Không như một số cụm tháp Chăm Pa khác, tháp Thủ Thiện là di tích chỉ có một ngôi tháp. Trước năm 1985, trên đỉnh tháp Thủ Thiện bị một cây đa đồ sộ mọc trên đỉnh tháp phủ kín, vào những năm 1980 cả ngôi tháp Thủ Thiện như biến thành một gốc cây đa cổ thụ, không ai dám chặt cây đa này vì cả tháp và cây đều như đã trở thành linh thiêng, điều cũng tương tự với các tháp khác có cây mọc trên. Tuy nhiên trận bão năm 1985 đổ bộ vào tỉnh Bình Định đã thổi bay cây đa khổng lồ khỏi đỉnh tháp, nhưng rất kỳ lạ là cây đa đổ xuống mà không hề làm hư hại lớn cho tháp chăm cổ này. Như các ngôi tháp Chăm truyền thống khác, tháp Thủ Thiện là một kiến trúc tháp tầng vuông gồm thân và ba tầng phía trên mô phỏng than tháp nhưng nhỏ hơn. Trên các mặt tường phía ngoài của than và các tầng tháp được tô điểm bằng các hình tháp nhỏ, đầu cùng các cột ốp góc tường có những hình điêu khắc đá nhô ra, tuy nhiên ở tháp Thủ Thiện các cột ốp trơn, phẳng và không có hoa văn trang trí, các ô dọc trên tường nằm giữa các cột không những không được chạm khắc hoa văn mà còn biến thành một gờ nổi lớn nhô ra mạnh. Các cửa giả ở giữa ba mặt tường tây, nam, bắc và cửa ra vào phía đông đều có hình cung nhọn lớn như mũi giáo khổng lồ phía trên, đầu các cột ốp hợp thành bộ diềm mái nhô ra mạnh, các tháp nhỏ ở góc các tầng mái không còn là một ngôi tháp thu nhỏ nữa mà biến thành một khố hình chóp nhiều tầng. Tháp có niên đại xây dựng vào khoảng thế kỷ 11 trong thời kỳ chuyển tiếp giữa phong cách Mỹ Sơn A1 và phong cách Bình Định nhưng đậm nét phong cách Bình Định nhiều hơn.Tháp có quy mô nhỏ, kiểu dáng trang nhã, thanh thoát, kì bí. Tháp được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng di tích Kiến trúc Nghệ thuật năm 1995. Nguồn Cổng thông tin điện tử tỉnh Bình Định.

Bình Định 519 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia. Mở cửa

Tháp Bánh Ít (Tháp Bạc)

Được xây dựng vào cuối thế kỷ XI, đầu thế kỷ XII tại xã Phước Hiệp, Tuy Phước, trên đỉnh một quả đồi nằm giữa hai nhánh sông Kôn là Tân An và cầu Gành bên cạnh quốc lộ 1A, cách Tp.Quy Nhơn khoảng 20km. Đây là một quần thể gồm 4 tháp, đứng nhìn từ xa trông giống như chiếc bánh ít nên người dân nơi đây gọi là Tháp Bánh Ít. Tháp còn có tên là Tháp Bạc do khi nghiên cứu quần thể kiến trúc này, người Pháp ghi tên tháp là Tour d’Argent (tháp Bạc). Mỗi tháp ở đây đều có kiến trúc riêng biệt, sắc thái khác nhau. Về phương diện nghệ thuật, trong toàn bộ di tích tháp Chàm còn lại trên đất nước Việt Nam, Bánh Ít là quần thể kiến trúc độc đáo với dáng vẻ kiến trúc đa dạng, trang trí đẹp, có giá trị nghệ thuật cao. Cụm tháp này được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng di tích Kiến trúc Nghệ thuật vào năm 1982. Nguồn Cổng thông tin điện tử tỉnh Bình Định.

Bình Định 484 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia. Mở cửa

Đền thờ Trương Định

Anh hùng Trương Định là một vị anh hùng nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam trong công cuộc chống thực dân Pháp trong giai đoạn từ năm 1859 đến năm 1864. Trương Định sinh ra tại làng Tư Cung, tỉnh Quảng Ngãi. Ông theo cha vào nam và lập nên vùng đất Tân An, Định Tường. Trương Định đã lãnh đạo quân đội đột kích vào đồn điền quân Pháp sau khi quân Pháp tiến đánh Gia Định năm 1859. Tuy nhiên, khi triều đình ký kết Hòa ước Nhâm Tuất năm 1862, nhường ba tỉnh miền Đông cho Pháp, Trương Định không chấp nhận việc bãi binh và nhậm chức Lãnh binh ở An Giang như lệnh của triều đình. Thay vào đó, ông tiếp tục cuộc chiến với danh hiệu Bình Tây Đại Nguyên Soái, với sự ủng hộ từ nhân dân và các nhà nho. Cuộc đấu tranh chống Pháp của ông chấn động với nhiều chiến công lẫy lừng. Tuy nhiên, vào ngày 19/8/1864, trong trận Đám Lá Tối Trời tại Gò Công Đông, Trương Định bị thương nặng. Để bảo toàn danh dự, ông đã quyết định tự vẫn tại Ao Dinh, Gò Công, khiến người dân và lính của mình đau lòng và tiếc nuối. Sau khi Trương Định mất, vua Tự Đức đã truy tặng danh hiệu và xây dựng đền thờ tại làng Tư Cung, Quảng Ngãi để tưởng nhớ ông. Đền thờ Trương Định, hiện nằm tại xóm Khê Thuận, xã Tịnh Khê, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi, là nơi phụng thờ anh hùng dân tộc Trương Định. Đền được Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh năm 2014, và công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia ngày 24 tháng 2 năm 2023. Nguồn Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Ngãi.

Quảng Ngãi 514 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia. Mở cửa

Di tích núi Giếng Tiền

Núi lửa Giếng Tiền và Thới Lới là hai ngọn núi độc đáo tại đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi, thuộc nhóm 10 ngọn núi lửa phát hiện ở khu vực này. Núi lửa Giếng Tiền, cao 86m, có miệng núi rộng hàng trăm mét, phủ đất đỏ màu mỡ và xanh quanh năm. Dưới chân núi là chùa Đục, với tượng Quan Thế Âm cao 27m, được xem là bảo vệ ngư dân trên biển. Đứng từ đỉnh núi Giếng Tiền, bạn có thể ngắm nhìn toàn cảnh đảo Lý Sơn và thấy đảo Bé giữa biển khơi. Núi Giếng Tiền hay còn được người dân địa phương gọi là núi lửa tọa lạc ở địa phận của thôn Tây, xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi và là ngọn núi lửa lớn thứ hai trên đảo. Ngọn núi lửa này có chiều cao 90m, diện tích khoảng 0,45 km2 và đường kính trong phạm vi hoạt động là 500m. Ngọn núi lửa này có hình dáng miệng rất tròn và nhọn, tựa như hình ảnh của một đồng xu, cũng chính vì hình dáng đặc biệt này mà người dân địa phương đã đặt tên gọi là núi Giếng Tiền. Núi Giếng Tiền cũng có đặc điểm địa chất gần tương tự như núi lửa Thới Lới, khi trải qua hiện tượng xói mòn tạo nên những bức tường đá, mà người dân xưa kia đã tạo thành những bậc thang để dẫn lên miệng núi lửa. Núi Giếng Tiền hình thành từ thời tiền sử khoảng 3.000 đến 4000 năm trước. Chính vì vậy, ngọn núi này đã chứng kiến những sự kiện vô cùng nổi bật về quá trình hình thành địa chất trên đảo. Cũng từ đó, cảnh quan và địa chất ở đây cũng vô cùng đặc biệt, nơi đây có từng lớp tro rơi vào mảnh vụn đã tích tụ khi núi lửa hoạt động trên mặt dốc của núi lửa và hầu như không hề có tàn tích của mực nước biển ở trên các vách đá. Vì sự kiến tạo địa chất theo thời gian, các vách của núi lửa ở đây cũng đã bị bào mòn tạo nên khung cảnh kỳ quan đẹp không thua kém núi lửa Hang Câu - Thới Lới. Vào thời kỳ biển tiến thì đỉnh núi cũng đã bị nhấn chìm dưới là nước biển theo các giai đoạn khác nhau khi các vách đá bị bào mòn, lộ ra những mặt cắt rất đẹp. Một điều rất kỳ lạ là mặc dù núi lửa Giếng Tiền trên đảo Lý Sơn có loại đất đỏ vô cùng màu mỡ, nhưng không hề có một loài cây nào có thể mọc nổi ở trên đó. Lý giải về điều này, người dân huyện đảo cho rằng đây là miền đất thiêng, chính bởi vậy cây cối không thể mọc lên trên đó. Người ta cũng đã mang thứ đất thiêng này để về làm cốt cho những ngôi mộ gió rải rác khắp vùng. Vào tháng 1/2020, di tích núi Giếng Tiền đã được bộ văn hóa thể thao du lịch quyết định công nhận là một trong những di tích lịch sử cấp quốc gia. Nguồn Cổng thông tin điện tử huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

Quảng Ngãi 582 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia. Mở cửa

Đình làng An Vĩnh

Di tích đình An Vĩnh được xây dựng từ cuối thế kỉ 18, nằm tại đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi. Đình không chỉ là nơi lưu giữ văn hóa và lễ tế truyền thống, mà còn là biểu tượng quan trọng của chủ quyền biển đảo Việt Nam. Đình An Vĩnh đã không ít lần chứng kiến những sự kiện lịch sử, từ việc tách biệt phường An Vĩnh đảo Cù Lao Ré đến những cuộc chiến với thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Không chỉ là nơi lưu giữ những cổ vật, di tích đình An Vĩnh còn là nơi ghi lại những dấu ấn lịch sử với Đội Hoàng Sa, một đội người lính đánh cá bảo vệ chủ quyền biển đảo. Đây cũng là điểm xuất phát của họ Võ Văn, Nguyễn, Phạm Quang, Lê, Võ Xuân, Đặng, những dòng họ nổi tiếng tham gia Đội Hoàng Sa. Kiến trúc của đình với hình chữ Tam và mô thức trang trí tứ linh, ngũ phúc thể hiện niềm tin cầu mong sự bình an cho nhân dân. Đình làng An Vĩnh không chỉ là biểu tượng tinh thần cho người dân đảo Lý Sơn, mà còn là di tích lịch sử Quảng Ngãi quan trọng, là minh chứng sống cho chủ quyền biển đảo Việt Nam trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Vào năm 2013, di tích đình Lý Sơn Quảng Ngãi đã được nhà nước ta công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Nguồn Cổng thông tin điện tử huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

Quảng Ngãi 503 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia. Mở cửa

Đình An Hải

Di tích đình An Hải nằm trên đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Đình là nơi thờ cúng các thần linh, tiền hiền của Đảo Lý Sơn. Qua đó thể hiện được mối liên hệ giữa văn hóa người Việt đối với nền văn hóa ChămPa cổ. Đình làng An Hải được xây dựng vào năm 1820. Do đó mà đình mang đậm nét phong cách thiết kế, kiến trúc nghệ thuật cổ kính và trang nghiêm. Đình An Hải được 8 dòng họ tiền hiền cùng dân làng cùng nhau xây dựng đình. Tuy nhiên, về sau này họ Lê bị loại khỏi danh sách tiền hiền do vi phạm quy định trong tế Đình. Từ 1820 đến nay, đình An Hải đã trải qua nhiều đợt tu bổ và xây dựng thêm nhiều công trình. Vì vậy mà kiến trúc hiện tại của đình đã có một số thay đổi so với ban đầu. Đình được xây dựng với hướng quay ra biển, đằng sau là núi Thới Lới và trước mặt có hai trụ biểu với con nghê đặt trên đỉnh. Kiến trúc bên trong đình làng An Hải bao gồm tiền đường, hậu tẩm và các chi tiết trang trí như chiêng, trống, bàn thờ cô hồn. Đình mang phong cách bố trí theo quan niệm âm dương, thể hiện mong muốn bình an qua các mô típ thiết kế và trang trí lưỡng long, long phụng, ngũ phúc…Mặc dù đã trải qua nhiều sự thay đổi, nhưng di tích đình An Hải vẫn giữ được vẻ đẹp độc đáo, đặc trưng của phong cách kiến trúc cổ, thể hiện được sự trang nghiêm, cổ kính của đình làng. Vào năm 1995, di tích đình làng An Hải đã được xếp hạng là một trong những di tích lịch sử Quảng Ngãi được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Cổng thông tin điện tử huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

Quảng Ngãi 388 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia. Mở cửa

Di tích lịch sử “Cuộc đấu tranh Hà Lam - Chợ Được”

Di tích nằm cách Chợ Được khoảng 300m và đối diện với trạm y tế xã Bình Triều. Cuộc đấu tranh Hà Lam - Chợ Được diễn ra từ ngày 4/9 đến ngày 7/9/1954 - là cuộc đấu tranh chính trị thể hiện tinh thần yêu chuộng hoà bình và công lý của nhân dân Thăng Bình nói riêng, Quảng Nam nói chung chống lại bọn Mỹ - Diệm ngang ngược, tàn bạo, âm mưu vi phạm Hiệp định Giơ-ne-vơ nhằm chia cắt lâu dài đất nước ta. Khởi đầu cuộc đấu tranh diễn ra tại cầu Bàu Bàng chỉ có mấy chục người tham gia nhưng sau đó đã nhanh chóng đẩy lên thành cao trào với hàng ngàn người tham gia đấu tranh tại Chợ Được. Cuộc đấu tranh này đã làm 43 người chết và 23 người bị thương. Tuy nhiên cuộc đấu tranh đã thể hiện tinh thần yêu nước cao cả, ý chí quật cường, không ngại hy sinh của nhân dân, kiên quyết đấu tranh đòi bọn địch phải tuân thủ thực hiện Hiệp định Giơ-ne-vơ; quyết bảo vệ được nền độc lập, tự do và dân chủ của đất nước…; buộc địch phải chùn bước, phải chấp nhận các yêu sách của Nhân dân đặt ra. Để ghi lại tội ác của Mỹ-Diệm và tưởng nhớ đến những người đã ngã xuống, đài tưởng niệm có diện tích 8.988m2­, có tường rào cổng ngõ bao quanh khá kiên cố, tọa lạc tại thôn 3, xã Bình Triều, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Phần tượng đài được xây dựng hình khối cao khoảng 5m, thể hiện ba người đứng tựa lưng vào nhau, bao gồm: một cụ già cầm chắc cây gậy trên tay, một cô gái đang cầm nón lá và một thanh niên đang bồng một em bé bất động trên tay. Phía sau tượng đài là hai bức phù điêu bằng xi măng đắp nổi, mô tả quá trình đấu tranh của nhân dân Hà Lam - Chợ Được trong cuộc đấu tranh ngày 04 tháng 9 năm 1954. Giữa hai bức phù điêu là bệ thờ, phía trong bệ thờ có dòng chữ “Tổ quốc ghi công”. Di tích lịch sử “Cuộc đấu tranh Hà Lam - Chợ Được” được Uỷ Ban Nhân Dân tỉnh Quảng Nam công nhận theo quyết định số 4267/Quyết Định -Uỷ Ban Nhân Dân, ngày 21/11/2005. Năm 2014 được Bộ Văn Hóa -Thể Thao &Du Lịch chính thức xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia. Nguồn Cổng thông tin điện tử huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam.

Quảng Nam 415 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia. Mở cửa

Địa điểm chiến thắng Bồ Bồ.

Cứ điểm Bồ Bồ nằm ở vùng núi Đất Sơn, thuộc xã Điện Tiến, huyện Điện Bàn là một vùng đồi thấp rộng khoảng 215 héc ta, có độ cao 55 mét. Núi Đất Sơn có 5 điểm cao là Sùng Công, Giồng Ngang, Giồng Lạc, Bồ Bồ và Đất Ký. Đây là địa bàn chiến lược, khống chế cả một vùng từ Tây Điện Bàn đến Hòa Vang và một phần phía Đông huyện Đại Lộc. Vì vậy, sau khi đưa quân trở lại chiếm đóng nước ta, quân Pháp đưa một đại đội đến chiếm đóng Bồ Bồ và biến nơi đây thành cứ điểm vững chắc nằm trong hệ thống phòng thủ từ xa bảo vệ căn cứ Đà Nẵng. Trong chiến cuộc Đông - Xuân 1953-1954, trước sự tấn công dồn dập cả quân sự, chính trị binh vận của quân và dân Quảng Nam - Đà Nẵng, địch hoàn toàn rơi vào thế cô lập. Nhiều đồn bót của địch chỉ cách Đà Nẵng vài chục cây số về phía nam phải tiếp tế bằng máy bay, bộ máy ngụy quyền tan rã ở nhiều nơi. Để cứu vãn tình hình, Bộ Chỉ huy quân viễn chinh Pháp tại miền Trung đã điều động một lực lượng cơ động từ chiến trường Tây Nguyên quay về Đà Nẵng. Chúng tập trung bốn đại đội khinh binh, ba đại đội thủy quân cơ giới, ba đại đội công binh với hơn 800 tên, 110 xe cơ giới, 10 ca nông và nhiều trọng đại liên mở cuộc hành quân “Con Báo” phá vùng du kích Điện Bàn, chiếm lại cứ điểm Bồ Bồ nhằm giải tỏa, tiếp tế cho quân địch ở Ái Nghĩa, Phong Thử trên đường 100, củng cố tuyến phòng thủ nam bắc sông Cẩm Lệ, bảo vệ Đà Nẵng. Trước đó, ngày 9-6-1954, các đơn vị bộ đội địa phương Điện Bàn đã mở cuộc tập kích lần thứ nhất vào cứ điểm Bồ Bồ, tiêu diệt toàn bộ bọn địch ở đây thu được 1 khẩu pháo 57 ly. Căn cứ tình hình thực tế trên chiến trường, Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng quyết định lợi dụng yếu tố bất ngờ, dùng chiến thuật tập kích đánh địch ngay khi chúng vừa đặt chân đến Bồ Bồ để diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, bẻ gãy cuộc hành quân của chúng, bảo vệ cơ sở, tài sản và tính mạng của nhân dân. Chấp hành chủ trương ấy công tác chuẩn bị được khẩn trương tiến hành. Nhân dân các xã Điện Hồng, Điện Tiến, Điện An, Điện Hòa tham gia đắp đường, hăng hái đi dân công phục vụ tiền tuyến. Khẩu hiệu hành động lúc này là “Tất cả cho chiến thắng”, ta đã huy động 500 dân công hỏa tuyến, 650 dân công thu chiến lợi phẩm. Ngoài ra, còn một số dân công khác cũng được bố trí cách trận địa 1.500 mét sẵn sàng chi viện cho chiến trường. Đúng 0 giờ 30 ngày 19-7-1954, ta bắt đầu khai hỏa nã đạn vào các điểm cao của địch ở cứ điểm Bồ Bồ. Hỏa lực vừa dứt thì các mũi tiến công của ta đồng loạt ào lên đánh chiếm các vị trí, chia cắt đội hình địch. Lúc đầu, địch hỗn loạn nhưng sau đó, chúng ổn định lại đội hình, chống trả điên cuồng. Cuộc chiến đấu diễn ra quyết liệt. Pháo địch từ Giồng Ngang và đồi Sùng Công bắn chặn đường tiến. Nhưng, các chiến sĩ của ta vẫn kiên trì bám sát trận địa, dũng cảm đánh chiếm sân bay, tràn vào khu trung tâm. Người trước ngã, người sau tiếp bước. Các chiến sĩ ngoan cường bám sát trận địa, lợi dụng địa hình địa vật đánh chiếm sân bay, diệt 4 xe địch. Ở Giồng Ngang, ta diệt thêm 3 xe. Khi ta tràn vào trung tâm, địch dùng xe tăng và trọng pháo chống cự quyết liệt. Ta bắn hỏng xích, nhảy lên xe dùng lựu đạn đánh vào tháp pháo tiêu diệt. Các mũi khác xung phong tràn vào chiếm lĩnh trận địa. Hết đạn, nhiều đồng chí dùng lưỡi lê đâm địch, vật lộn với kẻ thù. Trước tinh thần chiến đấu ngoan cường của ta, địch đành phải bỏ chạy. Nhân dân và du kích Điện Bàn vây chặt, không cho tên nào chạy thoát. Kết quả, ta đã diệt 159 tên địch, bắt sống 293 tên, thu 142 súng từ tiểu liên đến đại liên. Đây là trận đánh ta bắt được nhiều tù binh Âu Phi nhất trên chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng. Cuộc hành quân của địch nhằm chiếm lại cứ điểm Bồ Bồ đã bị thất bại hoàn toàn. Chiến thắng Bồ Bồ sáng 19-7-1954 thể hiện sự lãnh đạo đúng đắn, kịp thời của Tỉnh ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, đồng thời thể hiện tinh thần liên tục tiến công tiêu diệt địch. Chiến thắng Bồ Bồ đã góp phần cùng cả nước kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, buộc chúng phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Đông Dương ngày 20-7-1954. Chiến thắng Bồ Bồ mãi mãi đi vào lịch sử như một “Điện Biên Phủ” trên chiến trường Quảng Nam trong kháng chiến chống Pháp. Tưởng nhớ đến những anh hùng, chiến sĩ cách mạng, đồng chí, đồng bào đã ngã xuống trong trận đánh Bồ Bồ, đúng vào lúc 19h ngày 19/7/2024, tại Tượng đài Chiến thắng Bồ Bồ, xã Điện Tiến, Thị ủy – Hội Đồng Nhân Dân – Uỷ Ban Nhân Dân – Uỷ Ban Mật Trận Tổ Quốc Việt Nam thị xã Điện Bàn long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Bồ Bồ (19/7/1954 - 19/7/2024) và đón Bằng xếp hạng di tích lịch sử Quốc gia Di tích Địa điểm chiến thắng Bồ Bồ. Nguồn Cổng thông tin điện tử huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.

Quảng Nam 471 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia. Mở cửa

Nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng

Là di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia, thuộc thôn 1, xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam, cách thành phố Tam Kỳ khoảng 35 km về phía tây. Cụ Huỳnh Thúc Kháng sinh năm 1876, quê làng Thạnh Bình - Tiên Phước, là một người thông minh học giỏi, một chí sĩ yêu nước. Đỗ Tiến sĩ năm 1904, đến năm 1908, cụ Huỳnh đứng đầu phong trào Duy Tân ở miền Trung, bị Pháp bắt đày đi Côn Đảo . Năm 1927 sau khi ra tù,cụ Huỳnh thành lập tờ báo Tiếng Dân nhằm tuyên truyền đấu tranh yêu nước. Sau khi cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công, cụ Huỳnh được Bác Hồ mời ra làm Bộ Trưởng Bộ Nội vụ rồi có thời gian giữ chức quyền Chủ tịch nước. Năm 1947, cụ Huỳnh mất tại Quảng Ngãi khi đi kinh lý Miền Trung. Nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng là ngôi nhà cũ tọa lạc trong khu vườn rộng có diện tích gần 4.000m2 do thân sinh cụ Huỳnh Thúc Kháng xây dựng từ năm 1869, theo lối kiến trúc rất phổ biến dưới thời nhà Nguyễn. Ngôi nhà gồm 3 gian, mái ngói, khung sườn gỗ với những đường nét chạm trổ tinh xảo. Tổng thể kiến trúc bên trong mang đậm dấu ấn kiến trúc thời Nguyễn với các trính lượn cong, trên trính có các trỏng quả kê trên con đội chạm hình đầu lân. Một căn bếp được xây dựng kề với nhà trên và được nối bởi một cửa bên hông. Bên trái và bên phải nhà được ngăn nhô ra phía trước. Bên phải là phòng ăn chung cả gia đình. Phía trái có ngăn phòng lồi là nơi cụ Huỳnh Thúc Kháng làm việc. Gian giữa đặt bàn thờ tổ tiên, quanh bàn thờ có chạm khắc hoa văn cách điệu hình con dơi ngậm chuỗi vòng và một đôi rồng bằng gỗ mít. Chính giữa bàn thờ đặt mục chủ (đề tên các ông bà, thân nhân của cụ Huỳnh đã qua đời). Phía trước là mục thấp hơn, hiện thờ cụ Huỳnh Thúc Kháng. Hiện trong ngôi nhà vẫn còn bảo tồn được không gian làm việc khi xưa của cụ Huỳnh cùng những vật dụng sinh thời cụ Huỳnh hay dùng trong đó có cả chiếc áo cụ Huỳnh mặc khi tham gia chính phủ năm 1946….Nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng đến nay đã được trùng tu tôn tạo nhiều lần, đây không chỉ là di tích cấp quốc gia, mà còn là một “địa chỉ đỏ” để thế hệ trẻ tìm về nhận diện truyền thống, tiếp nối chí hướng cha ông. Nguồn Cổng thông tin điện tử thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.

Quảng Nam 496 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia. Mở cửa

Mộ danh nhân Đỗ Đăng Tuyển

Ngày 12/3/2024, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có Quyết định số 608/Quyết Định -Bộ Văn Hóa Thể Thao Du Lịch về việc xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia đối với mộ chí sĩ Đỗ Đăng Tuyển, xã Đại Cường, huyện Đại Lộc. Chí sĩ Đỗ Đăng Tuyển (1856- 1911) sinh ra và lớn lên ở làng Ô Gia, xã Đại Cường, huyện Đại Lộc. Ông từng giữ một chức quan nhỏ ở triều đình nhà Nguyễn. Khi thực dân Pháp xâm chiếm nước ta, ông từ quan về quê. Năm 1885, vua Hàm Nghi phát động phong trào Cần Vương, Đỗ Đăng Tuyển tham gia Nghĩa hội Quảng Nam- một phong trào hưởng ứng chiếu Cần Vương tại Quảng Nam. Ông được giao chức Tán tương quân vụ chuyên phụ trách vận động lương thực, tiền bạc cho các hoạt động của Nghĩa hội. Năm 1904, ông là một trong 5 thành viên tham gia sáng lập Duy Tân hội. Năm 1910, ông bị chính quyền tay sai và thực dân Pháp bắt giữ và đưa tới nhà lao Lao Bảo (Quảng Trị) giam cầm. Tại đây, ông đã tuyệt thực hơn 1 tuần và hy sinh vào ngày 02/5/1911. Ngày 27/4/2021, Huyện ủy Đại Lộc đã tổ chức Hội thảo khoa học "Cuộc đời và sự nghiệp của chí sĩ Đỗ Đăng Tuyển" nhân kỷ niệm 165 năm ngày sinh (14/5/1856 - 14/5/2021) và 110 năm ngày mất (2/5/1911 - 2/5/2021) của ông. Nguồn Cổng thông tin điện tử huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam.

Quảng Nam 521 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia. Mở cửa

Di tích Giếng Nhà Nhì 

Giếng Nhà Nhì thuộc thôn 5, xã Điện Ngọc, huyện Điện Bàn, cách thành phố Hội An 15km về phía bắc theo đường Hội An – Đà Nẵng, cách Thành phố Đà Nẵng 5 km về hướng Nam. Trong phong trào đồng khởi phá kèm ở Điện Bàn, Đội đặc công của tỉnh, được giao nhiệm vụ tổ chức thọc sâu về vùng cát Điện Nam - Điện Ngọc đánh thu hút địch, tạo điều kiện cho các xã vùng A, B của huyện nổi dậy phá kìm kẹp của địch, giành quyền làm chủ . Đội có 7 người, do đồng chí Hiền làm đội trưởng, Võ Như Hưng- đội phó và các đội viên gồm Đặng Thật, Nguyễn Rìu, Nguyễn Sỹ, Trần Thọ, Trần Đại Nghĩa cùng 3 cán bộ của huyện Điện Bàn là Võ Tiến (tức Thụ)-Thường vụ Huyện ủy, Lê Tựu và Đặng Bảo Chí. Trận đánh diễn ra trong sự chênh lệch quá lớn về lực lượng. Ta chỉ có 10 chiến sĩ, trang bị 8 tiểu liên, 2 súng ngắn, 2kg thuốc nổ TNT, và mỗi chiến sĩ được trang bị 150 viên đạn và một ít lựu đạn. Địch phát hiện và điều 1 đại đội biệt kích, 10 trung đội bảo an, dân vệ (khoảng 500 lính) được trang bị đầy đủ vũ khí và phương tiện thông tin liên lạc bao vây. Nhưng với tinh thần “Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”, “lấy vũ khí địch đánh địch”, “mỗi viên đạn một quân thù” các chiến sĩ ta đã quần lộn đánh địch suốt chiều dài của vùng đất Điện Nam và Điện Ngọc, cuối cùng địch dồn lực lượng bao vây, đội phải trụ tại giếng cạn nhà bà Nhì (Điện Ngọc), hơn 4 tiếng đồng hồ đội đã đẩy lùi hàng chục đợt tấn công, tiêu diệt gần trăm tên địch. Ta tổn thất 4 đồng chí hi sinh, 1 bị thương. Sau trận đánh vẻ vang này, Đồng chí Lê Tấn Hiền (Viễn) được cử đi báo cáo thành tích tại quân Khu. Chiến công to lớn của đội công tác đã được Mật Trận Dân Tộc Giải Phóng Khu Trung Trung Bộ phong tặng danh hiệu Bảy dũng sĩ Điện Ngọc và tặng thưởng Huân chương Giải phóng hạng Nhất. Cách Di tích lịch sử cấp Quốc gia Giếng Nhà Nhì là Tượng đài các Dũng sĩ Điện Ngọc được xây dựng với quy mô uy nghi tượng trưng cho khí thế cách mạng, sự chiến đấu ngoan cường của các dũng sĩ Điện Ngọc. Nguồn Cổng thông tin điện tử huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.

Quảng Nam 513 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia. Mở cửa

Mộ chí sĩ Trần Quý Cáp

Trần Quý Cáp (1870 - 1908), tự Dã Hàng, Thích Phu, hiệu là Thái Xuyên. Ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo ở thôn Thai La, làng Bất Nhị, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Trần Quý Cáp là một trong ba nhân vật kiệt xuất của phong trào Duy Tân. Ông không chỉ là một nhà lãnh đạo cách mạng lỗi lạc mà còn là một nhà thơ có tài. Thơ văn của ông mang hơi thở của thời đại, là tiếng nói chân thành của một trái tim nồng nàn yêu nước, thể hiện tư tưởng tình cảm của tầng lớp nho sĩ tiến bộ những năm đầu thế kỷ XX. Ông tham gia phong trào Duy Tân chống Pháp, sau đó bị bắt giam vào năm 1908, dù không tìm ra chứng cứ nhưng thực dân Pháp vẫn xử chém ngang lưng mà người đời gọi đó là bản án Mạc tu hữu. Hiện nay vẫn còn đền thờ ông ở thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh, Khánh Hòa. Gia đình đã đưa di cốt Chí sĩ Trần Quý Cáp cải táng tại quê nhà tại nghĩa trang Gò Bướm, làng Bất Nhị, xã Điện Phước, huyện Điện Bàn vào năm 1925. Đến năm 1938, nhân dân đã quyên góp xây dựng lại lăng mộ khá khang trang. Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, mặc dù chiến tranh tàn phá gây hư hỏng nặng nề, nhưng con cháu cùng gia tộc vẫn chăm lo gìn giữ lăng mộ. Năm 1994, Lăng mộ Chí sĩ Trần Quý Cáp được huyện Điện Bàn và gia đình, gia tộc Trần Văn làng Bất Nhị xây dựng lại theo kiến trúc lăng mộ cũ ở Khánh Hòa. Năm 2000, Lăng mộ Chí sĩ Trần Quý Cáp được công nhận là di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia. Nguồn Cổng thông tin điện tử huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.

Quảng Nam 481 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia. Mở cửa

Lăng mộ Chí sĩ Hoàng Diệu.

Lăng mộ Tổng đốc Hoàng Diệu tọa lạc tại thôn Xuân Đài, xã Điện Quang, huyện Điện Bàn. Được Bộ Văn hóa-Thông tin công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 1994. Chí sĩ Hoàng Diệu (1829- 1882) xuất thân trong một gia đình nho giáo tại làng Xuân Đài - xã Điện Quang - huyện Điện Bàn (nay là thị xã Điện Bàn). Ông là vị danh tướng nổi tiếng học rộng, tài cao (19 tuổi đỗ cử nhân, 24 tuổi đỗ phó bảng) và là người thanh liêm, chính trực, thương dân. Ngày 25 tháng 4 năm 1882 thực dân Pháp tấn công thành Hà Nội, trong một trận đấu không cân sức, ông thắt cổ tự vẫn chứ không chịu giao nộp thành. Lúc đó, ông đang giữ cương vị tổng đốc Hà - Ninh. Cái chết oanh liệt của ông là một tấm gương anh hùng trung liệt, cổ vũ cho các tầng lớp chí sĩ và nhân dân cả nước đứng lên đấu tranh giành độc lập. Mộ ông được cải táng về quê nhà và được trùng tu tôn tạo 2 lần vào năm 1982 và năm 1998. Khuôn viên rộng rãi, thoáng mát, được con cháu trông nom, chăm sóc. Nguồn Cổng thông tin điện tử huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.

Quảng Nam 489 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia. Mở cửa

 Bàn Than - Hòn Mang - Hòn Dứa

Dải núi Bàn Than, đảo Hòn Mang, Hòn Dứa là các di chỉ đá biến chất thuộc phức hệ Khâm Đức - Núi Vú. Địa chất ở đây có độ tuổi đến 400 triệu năm, được đẩy nhô lên khỏi mặt nước biển qua một đợt kiến tạo địa chất. Các phiến đá sẫm màu đen tuyền, hình dáng như những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc. Ngoài ra, Bàn Than - Hòn Mang - Hòn Dứa còn có các bãi biển dài trong xanh, hoang sơ và mảnh đất Thuận An với nhiều nét văn hóa độc đáo của miền biển. Khu vực Tam Hải nói chung, Bàn Than - Hòn Mang - Hòn Dứa nói riêng là điểm đến với nhiều tiềm năng về du lịch của Núi Thành. Phong cảnh kỳ vĩ, đẹp đẽ do thiên nhiên tạo tác thực sự hấp dẫn cho những ai đến với danh lam thắng cảnh này. Năm 2017, Bàn Than - Hòn Mang - Hòn Dứa được Uỷ Ban Nhân Dân tỉnh xếp hạng di tích cấp tỉnh. Thời gian qua, chính quyền và nhân dân dành nhiều sự quan tâm để bảo vệ, khai thác hiệu quả di sản. Trước đó, năm 2003, xã Tam Hải phối hợp Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển vận động nhân dân tìm hiểu giá trị rạn san hô, làm sạch biển; chấp hành pháp luật trong khai thác, đánh bắt thủy sản. Đồng thời thực hiện dự án bảo tồn và sử dụng bền vững hệ sinh thái rạn san hô Tam Hải; triển khai nhiều hoạt động quảng bá danh thắng Bàn Than - Hòn Mang - Hòn Dứa. Ngày 24/02/2023, Bộ Văn Hóa Thể Thao Du Lịch có Quyết định số 393 công nhận Bàn Than - Hòn Mang - Hòn Dứa là di tích quốc gia. Nguồn Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch.

Quảng Nam 769 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia. Mở cửa

Khu di tích lịch sử Trung Trung Bộ -Nước Oa

Nước Oa là một địa danh nằm dưới chân núi Hòn Bà hùng vĩ, thuộc địa phận xã Trà Tân, huyện Trà My (nay là huyện Bắc Trà My). Đây là vùng rừng núi rậm rạp; ở phía trước, hai con sông Trường và sông Nước Oa tạo nên triền đất bãi bồi quanh co kéo dài và liên kết các thung lũng lớn nhỏ, cao thấp bên trong, tạo thuận lợi cho việc tiến thoái, ẩn trú, cất giấu vũ khí, xuất quân, ém quân và di chuyển, khai thác nguồn lương thực, thực phẩm, thuốc men tại chỗ để tồn tại lúc ngặt nghèo nên nơi đây đã được Khu uỷ khu 5 lựa chọn là căn cứ địa cách mạng trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Chính tại Khu căn cứ này, Khu uỷ và Bộ Tư lệnh Quân khu 5 đã cùng nhau vạch ra đường lối chiến lược cụ thể để chỉ đạo quân dân khu 5 đánh Mỹ. Nơi đây đã từng diễn ra các Hội nghị, Đại hội quan trọng, là địa điểm tập huấn cho các cán bộ Trung đoàn, Sư đoàn, cán bộ các tỉnh trong toàn Khu về học tập Nghị quyết của Đảng... góp phần cùng cách mạng miền Nam giành thắng lợi trong việc ký kết Hiệp Định Paris năm 1973, tiến tới giành giải phóng miền Nam. Với những giá trị lịch sử đó, ngày 04/8/1992, Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã công nhận Khu di tích Nước Oa là di tích cấp quốc gia. Nguồn Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Nam.

Quảng Nam 452 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia. Mở cửa

Tháp Bằng An

Tháp Bằng An thuộc xã Điện An, huyện Điện Bàn,nằm sát đường 609 (nối Vĩnh Điện với Ái Nghĩa) là còn tương đối nguyên vẹn.Theo các nhà nghiên cứu, thì tháp Bằng An được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ X, có kiến trúc độc đáo, hoàn toàn không giống bất cứ ngôi tháp nào, tồn tại ngày hôm nay trên cả nước. Nhìn tổng thể, Tháp Bằng An mang hình linga (dương vật), nằm giữa không gian rộng thoáng. Linga biểu tượng của thần Siva, nơi đây dùng làm nơi thờ cúng và tế lễ của người Chăm. Tháp được xây theo hình bát giác, mỗi cạnh dài 4m, cao 21mét 5. Bên trong thờ một Linga bằng đá (hiện nay chỉ còn bệ thờ). Phía trước tháp hiện còn hai con vật bằng đá: Sư tử và voi. Theo các nhà nghiên cứu văn hoá Chăm, Tháp Bằng An là một di tích có giá trị cao về mặt kiến trúc, liên quan đến tôn giáo, tín ngưỡng của người Chăm. Do đó năm 1989, Tháp Bằng An được Bộ Văn hoá công nhận là di tích cấp quốc gia. Vào năm 1943, do chiến tranh tàn phá, Tháp bị hư hại phần tiền sảnh, các kỹ sư người Pháp đã tiến hành trùng tu. Nhưng tiếc thay không nắm vững kỹ thuật, người Pháp đã xây gạch bằng xi măng (mạch hồ rộng), do đó đã phá vỡ kiến trúc độc đáo của người Chăm (giữa các viên gạch xây không có mạch hồ). Với một kiến trúc độc đáo, lại nằm vị trí thuận lợi và đẹp, Tháp Bằng An là địa chỉ lý tưởng cho du khách tham quan trong và ngoài nước. Nguồn Cổng thông tin điện tử huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.

Quảng Nam 524 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia. Mở cửa

Di tích khu căn cứ Phước Trà (1973-1975)

Phước Trà hiện nay là một xã thuộc huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam. Trong Kháng chiến chống Mỹ , nơi đây đã từng được chọn đặt căn cứ của Khu ủy 5 từ năm 1973 đến 1975. Để sự chỉ đạo được kịp thời nhằm đối phó lại âm mưu và thủ đoạn của địch sau Hiệp định Paris (27-1-1973), Khu ủy và Bộ Tư lệnh Khu 5 quyết định dời căn cứ từ Nước Oa (Trà My) về Phước Trà(Hiệp Đức). Phước Trà cách thị trấn Tân An khoảng 15km về phía tây, cách tỉnh lộ 612 khoảng 4km về phía nam, từ đây tỏa về vùng đồng bằng có nhiều đường thuận tiện và nhanh chóng cả thủy lẫn bộ. Đây là khu căn cứ lớn, gồm một hội trường, nơi làm việc của các đồng chí lãnh đạo và các cơ quan chuyên môn. Tại đây cũng đã diễn ra Đại hội lần thứ 3 của Ban Chấp hành Đảng bộ Khu 5 và nhiều cuộc hội nghị của Khu ủy và Bộ Tư lệnh khu đề ra kế hoạch Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, theo tinh thần của Nghị quyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam tháng 1-1975 giải phóng miền Nam. Tại đây, Bảo tàng tỉnh Quảng Nam đã sưu tập và trưng bày một số hiện vật, hình ảnh hoạt động ở khu căn cứ này trong thời kỳ 1973-1975. Khu căn cứ Phước Trà đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là di tích lịch sử- văn hóa cấp quốc gia (Quyết định số 281/ Quyết Định -Bộ Trưởng ngày 24-3-1993) Nguồn Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Nam.

Quảng Nam 419 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia. Mở cửa

Di tích địa đạo Kỳ Anh thời chống Mỹ

Kỳ Anh (thuộc xã Tam Thăng) là vùng cát nằm bên ngoài tỉnh lỵ Quảng Tín - cơ quan đầu não của ngụy quyền đóng tại thị xã Tam Kỳ - chỉ cách 4-5km theo đường chim bay. Phía bắc là căn cứ Tuần Dưỡng (Thăng Bình), phía nam là căn cứ An Hà. Trong tình thế bị bao vây, địa hình chiến đấu không thuận lợi, các lực lượng vũ trang cách mạng không có nơi ẩn náu an toàn. Từ thực tế đó, Đảng bộ xã Tam Thăng đã chọn phương án xây dựng một hệ thống địa đạo ngầm liên hoàn bên dưới lòng đất. Kế hoạch được bắt đầu triển khai từ tháng 5-1965 đến cuối năm 1967 thì hoàn thành về cơ bản ở 9 thôn, mỗi thôn trung bình có 2km địa đạo, trong đó có chỗ hội họp, hầm chỉ huy, kho dự trữ lương thực, trạm cứu thương… Khác với địa đạo Vĩnh Mốc (Vĩnh Linh) hay Củ Chi (Sài Gòn), địa đạo Kỳ Anh được đào ở vùng cát, do đó phải đào xuyên xuống tầng đất cứng (hoặc đất sét, hay đất kết von như đá ong) mới khỏi sụp lở, nghĩa là phải có bề dày trên 2m. Khó nhất là những đoạn xuyên qua suối, hồ nước, nhà dân. Nơi bố trí miệng hầm bí mật, ngoài sự kín đáo, bất ngờ còn phải có những người bám trụ hợp pháp để bảo vệ cảnh giới địch. Các mẹ có công lớn trong việc này như: Phạm Thị Tống, Lê Thị Khương, Châu Thị Thảo, Trần Thị Ngàn, Nguyễn Thị Túc, Phạm Thị Lời, Hồ Thị Hiến…Địa đạo Kỳ Anh ra đời đã tạo lợi thế lớn cho phong trào chiến tranh du kích, góp phần cùng lực lượng vũ trang bao vây tấn công địch nhiều trận, mang lại hiệu quả cao, đồng thời làm hậu thuẫn cho các cuộc đấu tranh chính trị. Từ khi hình thành đến kết thúc chiến tranh (1965-1975), quân và dân Kỳ Anh đã đánh địch 1.052 trận, loại khỏi vòng chiến đấu 3.751 tên địch, trong đó có 55 tên Mỹ. Địa đạo Kỳ Anh đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là di tích lịch sử- văn hóa cấp quốc gia (Quyết định số 985- Quyết Định /Văn Hóa ngày 27-5-1997) Nguồn Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Nam .

Quảng Nam 584 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia. Mở cửa

Mộ cụ Đỗ Thúc Tịnh

Nằm cách trung tâm Đà Nẵng khoảng 20km về phía tây nam, trên trục quốc lộ 14B, có một ngôi làng mang tên La Châu. Nơi đây là quê hương của vị khoa bảng nổi tiếng thời Tự Đức, tiến sĩ Đỗ Thúc Tịnh. Mộ Đỗ Thúc Tịnh hiện tọa lạc tại thôn Hương Lam, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang. Đỗ Thúc Tịnh là một vị tiến sỹ đầu tiên và duy nhất của huyện Hoà Vang thời Phong kiến, một vị quan yêu nước, một nhà nho mẫu mực, một danh nhân xứ Quảng. Khi ông mất, Vua Tự Đức đã truy phong ông là: "VĂN VÕ TOÀN TÀI ĐẠI TƯỚNG CÔNG”. Thân thế và sự nghiệp của ông được Quốc Sử Quán triều Nguyễn ghi chép trong các bộ sách Đại Nam Thực Lục Chính Biên và Đại Nam Liệt Truyện Chính Biên phần Chư Thần Liệt Truyện. Đỗ Thúc Tịnh, có sách viết là Tĩnh, tự Cấn Trai, người làng La Châu, nay thuộc xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng, sinh ngày 20-2-1818. Thông minh hiếu học từ nhỏ, đỗ cử nhân khoa Bính Ngọ (1846), năm 1848, thi Hội trúng đệ tam giáp đồng tiến sĩ. Được bổ Tri phủ Thiệu Hóa (Thanh Hóa), nhưng chỉ một thời gian ngắn, ông xin về quê cư tang mẹ, ba năm sau mới ra làm việc trở lại. Năm 1853, được bổ Tri phủ Diên Khánh (Khánh Hòa). Chính lúc này ông mới có dịp thi thố sở học và bộc lộ phẩm cách của một vị quan thanh liêm, giàu lòng yêu nước, yêu dân. Ngoài nho học, ông còn tinh thông về nghề thuốc, địa lý và kinh dịch. Đất Diên Khánh vốn khô cằn, dân đói khổ, lại thêm nan cọp quấy hại. Khi ông về nhận chức, đã tổ chức lại đời sống và sản xuất, bày kế bẫy cọp, sửa sang đường sá, cấp công cụ, trâu bò, mở rộng khai hoang, mộ dân lập ấp. Dân Diên Khánh được hưởng ân đức ấy, đương thời người ta gọi ông là “Đỗ phụ” (người cha họ Đỗ). Năm 1854, có chỉ triệu ông về kinh làm Giám sát ngự sử, nhưng vì dân làm đơn xin lưu lại, nên nhà vua đổi ông sang hàm Thự Thị độc, cho giữ chức vụ cũ. Chưa bao lâu sau, lại có chiếu bổ ông làm Viên ngoại lang bộ Binh, nhưng lần này quan tỉnh thấy việc mộ dân lập ấp đã sắp xong, xin cho lưu lại làm nốt. Vua lại dụ rằng: "Thúc Tĩnh là người thanh liêm cần cán vào hạng nhất trong hàng phủ huyện, cho thực thụ Thị độc (song) vẫn lưu lại đấy làm việc để khuyến khích cho những viên quan tốt" . Việc xong, quan tỉnh tâu lên, ông được thăng chức Hồng lô tự khanh. Sau đó, ông lần lượt trải các chức: Án sát Khánh Hòa, Bố chính Khánh Hòa, rồi Biện lý bộ Binh. Tháng 8 năm 1858, tàu Pháp nã đại bác đánh phá Đà Nẵng. Gặp sự cản ngăn quyết liệt của quân đội Việt, quân Pháp bèn tiến vào Nam, và đánh hạ thành Gia Định vào tháng 2 năm 1859. Căm tức, Đỗ Thúc Tĩnh liền dâng sớ xin vào nơi đấy để đánh đuổi quân xâm lược. Vua khen là người trung nghĩa, khẳng khái, cho sung làm Khâm sai. Lại cấp cho ông 30 lạng bạc và ngựa trạm để đến hai tỉnh là Vĩnh Long và Hà Tiên, tuyên chỉ dụ cho sĩ dân, đồng thời chiêu mộ nghĩa dũng; sau đó, sẽ hợp lực cùng Tổng đốc Trương Văn Uyển và Tuần phủ Phan Khắc Thận bàn bạc việc quân. Thấy ông làm được một số việc, vua Tự Đức chuẩn cho ông làm Tuần phủ Định Tường. Ở đây, ông xin cho triệu tập binh sĩ, tích trữ lương thực, chọn chỗ hiễm để lập đồn. Lại xin thuê những người nước ngoài (như người nhà Thanh) ở Gia Định để làm nội ứng mặt thủy và mặt bộ. Vua xem sớ rồi dụ rằng: “Thúc Tĩnh xem xét tình hình, trù nghĩ phương lược...Tuy còn đương lắng chờ cơ hội, chưa thể vội và đem dùng, nhưng vì nước làm việc như vậy là có lòng trung thành, (biết) mưu tính sâu xa. Thương tình nhà ngươi vất vả, cho thăng Lại bộ Thị lang, (song) vẫn lĩnh chức cũ" Giữa lúc đang cáng đáng trách nhiệm nặng nề, thì chẳng may ông bị bạo bệnh, mất tại quân thứ Vĩnh Long ngày 26 tháng giêng Nhâm Tuất (21-2-1862). Ông được vua Tự Đức truy tặng Tuần vũ Định Tường và phái đại diện đến tận nhà thay mặt vua phúng điếu. Thi hài ông được đưa về an tán tại làng Hương Lam, bên cạnh làng La châu, huyện Hòa Vang. Năm 2007 mộ cụ Đỗ Thúc Tịnh được xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia theo quyết định số 45/2007/Quyết Định -Bộ Văn Hóa Thông Tinh của Bộ trưởng Văn Hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch). Nguồn Cổng thông tin điện tử thành phố Đà Nẵng.

Đà Nẵng 551 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia. Mở cửa

Nhà thờ Tiền hiền làng An Hải và Thoại Ngọc Hầu

Nhà thờ Tiền hiền làng An Hải và Thoại Ngọc Hầu (phường An Hải Tây, quận Sơn Trà) được biết đến không chỉ là ngôi nhà thờ của một làng rộng lớn, có lịch sử lâu đời trên đất Đà Nẵng, mà đây còn là nơi tế tự một nhân vật lịch sử nổi tiếng của quê hương An Hải. Đó là Thoại Ngọc Hầu - Nguyễn Văn Thoại, một danh tướng lừng lẫy trong Nam ngoài Bắc, được dân Châu Đốc, An Giang tôn kính như một vị thần. Ông quê làng Bắc Mỹ An, huyện Diên Phước, trấn Quảng Nam, nay là phường Bắc Mỹ An, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng. Tên thật là Nguyễn Văn Thụy, do kỵ húy mà đổi là Thoại. Thời niên thiếu, Nguyễn Văn Thoại cùng gia đình di cư vào Nam đời chúa Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765), sống tại làng Thới Bình, trên cù lao Dài, nay thuộc huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Năm 16 tuổi (1777), đầu quân theo Nguyễn Ánh sang Bangkok (Thái Lan), về nước dẫn quân đi đánh Tây Sơn, làm Khâm sai cai cơ, rồi Khâm sai thống binh cai cơ, được phong tước Hầu (nên về sau thường gọi là Thoại Ngọc Hầu). Năm 1789, làm Phó quản doanh được thăng Khâm sai thượng đạo bình Tây tướng quân. Năm 1799, được cử đi công cán ở Viên Chăn (Lào). Sau khi Nguyễn Ánh lên ngôi vua (1802), ông được thăng Khâm sai thống binh cai cơ trông coi việc ở Bắc Thành, rồi lãnh Trấn thủ Lạng Sơn. Được điều đi làm Trấn thủ Định Tường, rồi được cử làm Thống quân biền binh bảo hộ Cao Miên. Năm 1818, được bổ làm Trấn thủ Vĩnh Thanh (nay là Long Xuyên - Cần Thơ). Tại đây, ông cùng quan quân sở tại thiết kế và điều hành dân binh đào kênh Đông Xuyên (ở Long Xuyên). Kênh này sau khi hoàn thành được đặt tên là Thoại Hà. Năm Minh Mạng thứ nhất (1820), ông điều khiển 80.000 nhân công làm việc trong 5 năm liền (1820-1824) để đào con kênh nối Châu Đốc với Hà Tiên, dẫn nước ra biển phía Tây. Đây là công trình lớn do ông thiết kế và chỉ huy thành công, đã mang lại kết quả to lớn trong công cuộc khai phá miền Hậu Giang. Nguyễn Văn Thoại còn có công mộ dân khẩn hoang ở vùng An Hải, Châu Đốc, biến vùng đất hoang vu nơi biên giới thành trù phú, dân cư ngày một đông đúc, an vui. Nguyễn Văn Thoại là một nhân vật tài kiếm văn võ, một nhà hoạt động chính trị ngoại giao xuất sắc, (hai lần được cử làm Bảo hộ Cao Miên), khi sang Viên Chăn, lúc được cử ra giải quyết vấn đề biên giới phía Bắc (Lạng Sơn), khi về trấn ngự biên giới Tây Nam. Ông còn là doanh điền, một nhà hoạt động kinh tế có tầm nhìn chiến lược và có đầu óc tổ chức giỏi. Ông mất ngày mồng 6 tháng 6 năm Kỷ Sửu tại nhiệm sở Châu Đốc, thi hài được an táng bên chân núi Thoại Sơn. Tưởng nhớ công lao và sự nghiệp của ông, nhân dân lập lăng thờ. Lăng Thoại Ngọc Hầu được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là di tích văn hóa - lịch sử cấp quốc gia. Tại phường An Hải, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng, đền thờ Thoại Ngọc Hầu được xây dựng rất khang trang. Nhà thờ Tiền hiền làng An Hải và Thoại Ngọc Hầu (phường An Hải Tây, quận Sơn Trà) được biết đến không chỉ là ngôi nhà thờ của một làng rộng lớn, có lịch sử lâu đời trên đất Đà Nẵng, mà đây còn là nơi tế tự một nhân vật lịch sử nổi tiếng của quê hương An Hải. Đó là Thoại Ngọc Hầu - Nguyễn Văn Thoại, một danh tướng lừng lẫy trong Nam ngoài Bắc, được dân Châu Đốc, An Giang tôn kính như một vị thần. Nhà thờ Tiền hiền làng An Hải và Thoại Ngọc Hầu được xếp hạng di tích cấp quốc gia vào năm 2007. Bia ghi công nghiệp của Thoại Ngọc Hầu cao 2m, rộng 1,2m bằng đá trắng, mặt quay về hướng tây. Tượng bán thân của Thoại Ngọc Hầu cao 1,2 mét nặng gần 1 tấn, quay về hướng đông, thẳng hướng với bia ghi công bên phải. Phần chính điện và hậu tẩm của nhà thờ rộng khoảng 160m2, được thiết kế, tôn tạo theo lối đình cổ. Bàn thờ Thoại Ngọc Hầu nằm ở trung tâm chính điện có tượng và bài vị. Nguồn Cổng thông tin điện tử thành phố Đà Nẵng

Đà Nẵng 622 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia. Mở cửa

Nhà thờ và lăng mộ Nguyễn Tri Phương

Nhà thờ và lăng mộ Nguyễn Tri Phương thuộc Làng Chí Long, xã Phong Chương, huyện Phong Ðiền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Từ trung tâm thành phố Huế, theo Quốc lộ 1A (hướng Bắc 30km đến xã Phong Thu, huyện Phong Điền) rẽ phải theo tỉnh lộ 6 khoảng 15km là đến di tích. Nguyễn Tri Phương, tên thật là Nguyễn Văn Chương, tự Hàm Trinh, hiệu Đường Xuyên, sinh ngày 21-7 năm Canh Thân (1800), quê ở làng Ðường Long (Chí Long), tổng Chánh Lộc, huyện Phong Ðiền, tỉnh Thừa Thiên (nay là Phong Chương, Phong Ðiền). Làm quan dưới các triều Vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Ðức, giữ nhiều chức vụ quan trọng trong triều đình, là Ðại thần của Nhà Nguyễn, có nhiều công lao trong việc khai khẩn xứ Nam Kỳ và đánh thực dân Pháp xâm lược. Ông bị thương trong trận quân Pháp đánh vào Thành Hà Nội ngày 19-11-1873, sau đó tuyệt thực và mất ngày 20-12-1873 ( tức ngày 1-11 âm lịch), thọ 73 tuổi. Vua Tự Ðức cho đem thi hài ông về an táng tại quê nhà và cấp vật liệu xây dựng nhà thờ chung với em trai là Nguyễn Duy và con là Nguyễn Lâm đều là những người có công đánh thực dân Pháp. Di tích nhà thờ, lăng mộ Nguyễn Tri Phương đã được công nhận là di tích cấp Quốc gia tại Quyết định số 575-Quyết Định /Văn Hóa Thông Tin ngày 14/7/1990 của Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Nguồn Cổng thông tin điện tử Thừa Thiên Huế.

Thừa Thiên Huế 1075 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia. Mở cửa

Đình và Miếu khai canh Thế Lại Thượng

Đình và Miếu khai canh Thế Lại Thượng nằm trên đường Bạch Ðằng, phường Phú Hiệp (nay là phường Gia Hội), thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Đình - Miếu Thế Lại Thượng được xây dựng trên phần đất của làng Thế Lại - một làng cổ xứ Thuận Hóa, ra đời cách đây trên 500 năm, về sau, làng Thế Lại tách ra làm hai làng Thế Lại Thượng và Thế Lại Hạ. Hiện nay làng Thế Lại Thượng nằm trong địa phận phường Phú Hiệp (nay là phường Gia Hội), thành phố Huế. Đình Thế Lại Thượng quay mặt về hướng Tây – Nam. Trước mặt là sông đào Đông Ba. Khuôn viên rộng 1.200m2, có la thành bao quanh. Đình Thế Lại Thượng được cấu trúc gồm: Cổng Tam quan với 4 trụ biểu vuông, cao lớn, có đắp nổi câu đối chữ Hán, cách trụ biểu 5m là đôi hạc đứng trên lưng rùa chầu độc lư cao 1,8m, tiếp đến là sân đình. Đình xây dựng theo kiểu nhà rường ba gian hai chái, dài 12m, rộng 9m, có 26 cột chính và 4 cột hiên. Ðề tài trang trí chủ yếu là tứ linh, một số hoa lá tượng trưng cho 4 mùa và các hệ thống Bát Bửu, tất cả đóng khung trong các ô hộc. Nội thất chia làm 2 phần: Hậu cung và Tiền đường (hay Bái đường). Miếu Thành hoàng Thế Lại Thượng có cổng Tam quan xây theo kiểu cửa vòm. Kiến trúc Miếu theo kiểu nhà rường ba gian hai chái, có 36 cột gỗ, đề tài trang trí chủ yếu là tứ linh, hổ phù, hoa lá 4 mùa. Đình và Miếu Thế Lại Thượng là một cụm di tích chứa đựng nhiều giá trị nổi bật về lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật và văn hóa xã hội. Cụm di tích này đã được xếp hạng di tích cấp Quốc gia theo Quyết định số 05/1999 Quyết Ðịnh-Bộ Văn Hóa Thông Tin ngày 12-1-1999 của Bộ Văn hoá Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch). Nguồn Cổng thông tin điện tử Thừa Thiên Huế.

Thừa Thiên Huế 1056 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia. Mở cửa

Mã Pì Lèng

Mã Pì Lèng (Hà Giang) nổi tiếng là một trong “tứ đại đỉnh đèo” hùng vĩ ở vùng núi phía bắc nước ta, cùng với đèo Ô Quy Hồ (nối liền Lào Cai và Lai Châu), đèo Pha Đin (nối liền Sơn La và Điện Biên) và đèo Khau Phạ (Yên Bái). Đèo Mã Pì Lèng hay còn gọi là Mã Pì Lèng, Mã Pì Lèng (nghĩa là “sống mũi con ngựa”) được mệnh danh là vua của các con đèo ở vùng núi Tây Bắc, là cung đường đèo hiểm trở dài khoảng 20km, thuộc xã Pả Vi và Pải Lủng, huyện Mèo Vạc và xã Tả Lủng huyện Đồng Văn. Đỉnh Mã Pì Lèng nằm ở độ cao 1.200m thuộc Cao nguyên đá Đồng Văn trên con đường mang tên Hạnh Phúc nối liền thành phố Hà Giang với các huyện Đồng Văn và Mèo Vạc. Từ trên đỉnh Mã Pì Lèng, du khách có thể ngắm nhìn toàn cảnh Cao nguyên đá Đồng Văn. Khung cảnh núi non hùng vĩ với một bên là vách núi dựng đứng, một bên là vực sâu sông Nho Quế nước xanh màu ngọc bích. Du khách có thể đến với Mã Pì Lèng từ tháng 1 đến tháng 3 vì đây là thời điểm của các những mùa hoa như hoa mận, đào, cải, tháng 4 lại thu hút với phiên chợ tình Khâu Vai, tháng 9 hấp dẫn với mùa lúa chín trên Hoàng Su Phì hay tháng 11 và tháng 12 là mùa của hoa tam giác mạch. NGUỒN: CỤC DU LỊCH QUỐC GIA VIỆT NAM

Hà Giang 1024 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Lăng mộ và nhà thờ, nghĩa trang mang tên Phan Bội Châu

Lăng mộ và nhà thờ, nghĩa trang mang tên Phan Bội Châu ở số 53, đường Phan Bội Châu, phường Trường An, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Phan Bội Châu - nhà yêu nước, nhà tư tưởng, nhà thơ, nhà văn nổi tiếng của Việt Nam đầu thế kỷ XX. Sau nhiều năm bôn ba ở nước ngoài tìm đường cứu nước, năm 1925 Phan Bội Châu bị bắt ở Thượng Hải (Trung Quốc) và bị thực dân Pháp lén lút đưa về Hà Nội. Trước phong trào đấu tranh của nhân dân cả nước đòi ân xá cho Cụ, thực dân Pháp phải đưa cụ về giam lỏng tại Huế 15 năm (1925-1940). Ngôi nhà của cụ Phan ở dốc Bến Ngự: Nhà ở cụ Phan được xây dựng trong khoảng từ năm 1926-1927. Ngôi nhà do Cụ tự thiết kế, cụ Võ Liêm Sơn – giáo viên trường Quốc Học đứng ra chủ trì xây dựng. Ngôi nhà có hình chữ công nằm ngang, ba gian nhà lợp tranh, tượng trưng cho ba kỳ (Bắc, Trung, Nam), vách đất tương đối cao và thoáng mát. Chính giữa nhà hình vuông, làm nơi diễn thuyết. Xung quanh có các chái chia phòng riêng biệt. Lăng mộ cụ Phan Bội Châu: Lăng mộ được cụ Phan Bội Châu định vị sẵn từ năm 1934, nằm ngay phía trước ngôi nhà ở và chính giữa khu vườn. Sau khi cụ Phan qua đời (29/10/1940) với số tiền phúng điếu của đồng bào trong cả nước, cụ Huỳnh Thúc Kháng đã đứng ra xây dựng ngôi mộ và nhà thờ. Mộ có chiều dài 7m, ngang 5m, có 5 bậc tam cấp cao 0,8m, cách bình phong phía đầu mộ chừng 1m là tấm bia cao 1,8m, rộng 0,8m, trên mặt bia có bài “Tự Minh” bằng chữ Hán do cụ Phan viết năm 1934. Nhà thờ cụ Phan Bội Châu: Do cụ Huỳnh Thúc Kháng đứng ra xây dựng năm 1941 cùng với khu lăng mộ. Nhà thờ được xây dựng phía bên phải nhà ở, nguyên trước đây là ngôi nhà rường 3 gian tường gạch, mái lợp ngói liệt. Nhà dài 7,5m, rộng 6m. Từ đường: Từ đường được xây dựng từ tháng 4/1955 đến năm 1956, do cụ Tôn Thất Sa thiết kế, bác sỹ Thân Trọng Phước làm Trưởng ban xây dựng. Từ đường là một ngôi nhà ngói to lớn, đồ sộ, cao khoảng 8m, mái lợp ngói âm dương, mặt quay về phía lăng mộ cụ Phan Bội Châu. Mặt trước Từ đường có biển đề hàng chữ “Từ đường các liệt sỹ tiền bối và Phan Bội Châu tiên sinh”. Hiện nay, ngôi Từ đường đã được Bảo tàng Lịch sử và cách mạng Thừa Thiên Huế sử dụng một phần để tổ chức trưng bày về thân thế, sự nghiệp cụ Phan. Cùng với những di tích chính, trong khu vực vườn nhà cụ Phan Bội Châu còn có một số di tích khác: Lăng mộ Tăng Bạt Hổ, lăng mộ ông bà Phan Nghi Đệ (con trai và con dâu của cụ Phan), nhà bia thờ Ấu Triệu Lê Thị Đàn, giếng nước… Tượng cụ Phan nằm bên phải khu vườn. Bức tượng do nhà điêu khắc Lê Thành Nhơn thực hiện năm 1973 cùng với sự tham gia của Ban cán sự giáo chức và trí thức giải phóng (thuộc Thành ủy Huế), Trường Cao đẳng mỹ thuật, gia đình cụ Phan và các ban đại diện, cán sự sinh viên và học sinh Huế. Tượng cụ Phan là loại tượng đồng có kích cỡ lớn nhất Việt Nam, cao 3m, nặng 4 tấn đồng. Tượng được đặt trên một bệ hình khối chữ nhật cao 2m bằng đá hộc. Nghĩa địa mang tên Phan Bội Châu: Nghĩa địa mang tên cụ Phan Bội Châu là một khu vườn rộng 4.000m2, ở gần đàn Nam Giao, do cụ Phan mua cùng thời điểm với mảnh đất làm nhà ở dốc Bến Ngự. Năm 1934, Cụ dựng bia quy định rõ tiêu chuẩn những người được chôn cất tại đây. Ở nghĩa địa hiện nay có mộ đồng chí Nguyễn Chí Diểu, Nữ sử Đạm Phương, Hải Triều, Lê Tự Nhiên, Thanh Hải… Lăng mộ và nhà thờ, nghĩa trang mang tên Phan Bội Châu được công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia tại Quyết định số 575-Quyết Định/Văn Hóa ngày 14/7/1990 của Bộ Văn hóa Thông tin ( nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Nguồn Cổng thông tin điện tử Thừa Thiên Huế.

Thừa Thiên Huế 1065 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia. Mở cửa

Đình Hạ Lũng

Đình Hạ Lũng thuộc phường Đằng Hải, quận Hải An, thành phố Hải Phòng. Đình còn có tên chữ là Nhân Thọ đình, được dân làng Hạ Lũng xây dựng lên vào khoảng thế kỷ 18, kiến trúc của ngôi đình còn một số tiêu bản gỗ vì một số đầu dư của 2 bộ vì tòa đại bái đình được chạm khắc mang đậm phong cách nghệ thuật thời Hậu Lê thế kỷ 18. trải qua nhiều lần trùng tu lớn; nhưng có 2 lần trùng tu được ghi lại trên câu đầu, thượng lương đình là đời vua Khải Định (1924) và năm 1995. Đình Hạ Lũng là công trình kiến trúc theo kiểu chữ Công chéo đao tàu góc gồm: Tòa đại bái 5 gian (trong đó có 3 gian chính và 2 gian phụ), nhà ống muống 2 gian và hậu cung (3 gian). Kết cấu của các bộ vì tòa đại bái làm theo kiểu "chồng rường giá chiêng biến thể", vì nách là những bức cốn được chạm bóng cả hai mặt với các đề tài long, ngư, thủy, ba, cá chép vượt vũ môn. Các bộ vì của 2 gian ống muống, vì nóc đều là các bức cốn chạm các đề tài tứ linh, tứ quý. Nhìn chung, hệ thống gỗ kiến trúc của ngôi đình Hạ Lũng khá đồ sộ chắc khỏe, trên các cấu kiện kiến trúc đều được chạm khắc nổi, bong kênh với nhiều đề tài phong phú, đa dạng, sinh động. NGUỒN: CỔNG CƠ SỞ DỮ LIỆU THÔNG TIN KINH TẾ - XÃ HỘI THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

Hải Phòng 798 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Quần đảo Cát Bà

Quần đảo Cát Bà cách trung tâm thành phố Hải Phòng 60km theo đường biển, có diện tích khu vực đề cử Di sản thế giới là 31.150ha với 388 hòn đảo. Về mặt hành chính, quần đảo Cát Bà thuộc huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng. Nơi đây đã được công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới (năm 2004), được Chính phủ xếp hạng Danh lam thắng cảnh - Di tích quốc gia đặc biệt (năm 2013) và trở thành Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà (năm 2023). Những dãy núi đá vôi trập trùng xen lẫn tùng áng, vụng vịnh; hang động kỳ vĩ; có giá trị đa dạng về sinh học và cảnh quan địa chất, địa mạo, đã tạo nên quần đảo Cát Bà như một kiệt tác thiên nhiên. Đây cũng là nơi sinh sống của hơn 3000 loài động, thực vật trên cạn, dưới biển, trong đó có nhiều loài được đưa vào sách Đỏ Việt Nam và thế giới. Đặc biệt, Voọc Cát Bà là loài đặc hữu, hiện chỉ còn phân bổ duy nhất tại nơi đây. Quần đảo gồm 388 hòn đảo lớn nhỏ nằm trên diện rộng khoảng 345 km². Đảo Cát Bà lớn nhất có diện tích 153 km², là đảo lớn thứ ba ở Việt Nam sau Phú Quốc và Cái Bầu, có đỉnh cao nhất 331m. Các đảo còn lại ít khi độ cao đạt 100-250m, phần nhiều là đảo nhỏ có độ cao dưới 100m và các hòn rất nhỏ thường chỉ cao 20-50m . Đây là một khu vực địa hình nhiệt đới bị ngập chìm do biển tiến có cảnh quan độc đáo tương tự vịnh Hạ Long là phổ biến các chóp kiểu Phong Tùng và các chóp kiểu Phong Linh, và phễu. Các hòn đảo là các chóp hoặc tháp đơn lẻ hoặc thành cụm, vách bờ dốc đứng nổi trên mặt nước biển trong xanh. Nhiều tên đảo gọi theo hình dáng của vạn vật như Ớt, Chuông, Mai Rùa, Lã Vọng, Đuôi Rồng, Báo và Sư Tử Ăn mòn sinh hóa và cơ học của nước biển do sóng và thủy triều tạo nên rìa bờ lõm vòng quanh đảo làm tăng vẻ kỳ dị, độc đáo hình dạng các hòn đảo. Trên đảo Cát Bà có các thung lũng như Trung Trang, Gia Luận, Tai Lai và Việt Hải. Chúng có độ cao 5-8m, chiều rộng 100-600m, có nơi rộng tới 1 km, kéo dài một vài tới chục km, được lấp đầy bằng các trầm tích sông-biển muộn. QUẦN ĐẢO CÁT BÀ có rất nhiều hang động đẹp thuộc ba nhóm: hang ngầm cổ, hang nền và hang hàm ếch biển. Các hang ngầm cổ như động Hùng Sơn, động Hoa, hang Trung Trang v.v thường có độ cao trên 10m. Các hang nền phổ biến nhưng thường có kích thước nhỏ và thường có độ cao dưới 10m. Hang hàm ếch biển có khi xuyên thủng các khối đá vôi tạo thành hang luồn như hang Xích, hang Thủng. Địa hình đáy ven bờ QUẦN ĐẢO CÁT Bà gồm các dạng tùng áng, rạn san hô, đồng bằng đáy vịnh và luồng lạch. Tùng, áng là các thung lũng hoặc phễu karst bị biển ngập chìm. Tùng có 26 chiếc với hình dạng kéo dài (tùng Gấu, tùng Chàng ). Áng có 33 chiếc với hình dạng đẳng thước (áng Thảm, áng Vẹm và áng Kê,.) NGUỒN: Cổng Thông tin điện tử thành phố Hải Phòng

Hải Phòng 1014 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Cơ quan bí mật của Thành ủy Hải Phòng

Cơ quan bí mật của Thành ủy Hải Phòng (thời kỳ 1936 - 1939), đặt tại nhà cụ Đặng Thị Sáu ở xóm Nam, xã Dư Hàng Kênh ven đô thị Hải Phòng (nay là ngõ Than, cụm dân cư số 2 phường Dư Hàng Kênh, quận Lê Chân). Tại đây, cán bộ Đảng trực tiếp chỉ đạo phong trào đấu tranh của công nhân, thợ thuyền các xưởng thợ, công sở các vùng nông thôn. Tháng 9/1936, đồng chí Nguyễn Văn Linh (cố Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam) từ Côn Đảo trở về, được Đảng giao nhiệm vụ tổ chức, lãnh đạo phong trào cách mạng ở Hải Phòng. Đồng chí Nguyễn Văn Linh và đồng chí Nguyễn Công Hòa đã chọn nơi đây làm địa điểm chỉ đạo phong trào cách mạng tại Hải Phòng thời kỳ 1936 - 1939. Tháng 04/1937, Thành ủy Hải Phòng được thành lập do đồng chí Nguyễn Công Hòa là Bí thư. Nhờ kết quả của công tác tổ chức, phát triển các cơ sở Đảng và cơ sở quần chúng cách mạng, phong trào đấu tranh của công nhân và các giới lao động khác ở Hải Phòng - Kiến An lại bùng lên mạnh mẽ. Khi đồng chí Nguyễn Công Hòa chuyển sang công tác khác, đồng chí Nguyễn Văn Linh được cử làm Bí thư Thành ủy tiếp tục ở và làm việc tại nhà cụ Đặng Thị Sáu. Tại đây, nhiều chủ trương của Thành ủy Hải Phòng đã được triển khai nhanh chóng để chỉ đạo phong trào cách mạng. Đầu năm 1939, đồng chí Nguyễn Văn Linh được Trung ương điều vào tăng cường cho Thành ủy Sài Gòn, đồng chí Tô Hiệu về phụ trách phong trào cách mạng ở Hải Phòng và vùng mỏ (Quảng Ninh). Cơ quan bí mật của Thành ủy Hải Phòng (thời kỳ 1936 - 1939) tại nhà cụ Đặng Thị Sáu là di tích lịch sử cách mạng duy nhất còn lại, tương đối nguyên vẹn của chặng đường cách mạng vẻ vang những năm 1936 - 1939. Di tích này được Nhà nước xếp hạng năm 1998. NGUỒN: Cổng Thông tin điện tử thành phố Hải Phòng

Hải Phòng 803 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Miếu Nam

Miếu Nam là công trình tín ngưỡng do nhân dân xã Bắc Sơn, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng dựng lên cách đây đã nhiều thế kỷ để tôn thờ nhân vật lịch sử có công với đất nước trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược của các thế lực phong kiến phương Bắc, góp phần dựng lên nhà nước Vạn Xuân tự chủ đầu tiên trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta hồi thế ký thứ 6. Theo bản thần tích khắc trên phiến đá hình trụ vuông bốn mặt niên hiệu Tự Đức thế kỷ thứ 19 đang trưng bày tại Bảo tàng Hải Phòng cho biết: lịch sử nhân vật được tôn thờ tại miếu Nam, xã Bắc Sơn là một danh tướng, tên huý là Nguyễn Hồng, người địa phương. Trong cuộc khởi nghĩa chống lại sự đô hộ của nhà Lương (Trung Quốc) hồi thế kỷ thứ 6, Nguyễn Hồng đã tham gia vào quân đội của Lý Bí, lập được nhiều công lao góp phần vào việc tiêu diệt đội quân xâm lược nhà Lương, giúp Lý Bí lập lên nhà nước Vạn Xuân, mở ra thời kỳ giành quyền độc lập, tự chủ của dân tộc ta. Do có công lao, nên khi mất, Nguyễn Hồng đã được nhân dân quê hương lập đình thờ và suy tôn làm thành hoàng làng, ngàn năm hương khói phụng thờ. Miếu Nam khởi thuỷ có tên gọi là đình Nam. Tương truyền, đình Nam được dựng ngay tại nơi Nguyễn Hồng mất mà dấu tích để lại đến nay là mộ phần của ông được gìn giữ ngay trong hậu cung của đình, bên trên là thần tượng uy nghi đặt trong khám thờ. Trải qua những năm kháng chiến chống Pháp, đình Nam đã bị tàn phá, chỉ còn lại hậu cung. Có lẽ do quy mô quá nhỏ nên dân làng gọi đây là miếu. Nhưng với lòng thành kính, dần dần người dân địa phương đã bỏ nhiều công sức, tiền của để dựng lại ngôi miếu ngày càng khang trang, sạch đẹp. Ngày nay, thăm di tích miếu Nam, xã Bắc Sơn, chúng ta sẽ bắt gặp ở đây nét duyên dáng của mái đình làng Việt Nam truyền thống cùng những đồ thờ đẹp mắt, lộng lẫy vàng son, trong đó có chiếc kiệu bát cống độc đáo ở huyện An Dương. Với những giá trị nhiều mặt về vật thể và phi vật thể, năm 1990, Nhà nước xếp hạng di tích miếu Nam (đình Nam), xã Bắc Sơn, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng là Di tích Lịch sử Văn hoá. NGUỒN: Cổng Thông tin điện tử thành phố Hải Phòng

Hải Phòng 891 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đình Nhu Thượng

Đình Nhu Thượng thuộc xã Quốc Tuấn, huyện An Dương, Hải Phòng thờ hai chị em Mại Thị Cầu và Mai Kỳ Sơn, con vua Mai Hắc Đế, người đứng đầu chống quân đô họ nhà Đường ở thế kỷ 8. Do sẵn có quan hệ bằng hữu và thân thuộc với gia định họ Phạm và họ Hoàng ở đây, Mai Thị Cầu và Mai Kỳ Sơn đã giúp đỡ dân làng ruộng đất, vàng bạc, đồng thời chiêu mộ dân thôn xây dựng đồn trại, tham gia nghĩa binh, góp phần củng cố triều đại của Nhà Mai Thúc Loan. Tại các thôn Văn Xá, Nhu Điều, Kiều Yên Thượng ngày nay vẫn còn mang địa danh như đầm quan, địa lính... có nguồn gốc từ hai chị em họ Mai chu cấp cho dân mỗi làng 10 mẫu đất canh tác. Sau một trận giao chiến ác liệt với quân đô hộ nhà Đường kéo sang đàn áp cuộc khởi nghĩa, Mai Hắc Đế hy sinh, quân sỹ tôn Mai Kỳ Sơn lên nối ngôi cha. Lực lượng nghĩa quân của Mai Kỳ Sơn còn chiếm cứ 2 vùng Đông và Nam phủ Tống Bình được một thời gian dài. Sau hơn 2 tháng quân giặc mới phá được căn cứ phòng thủ của hai chị em Mai Kỳ Sơn ở Kiều Yên Thượng, Nhu Điều. Ngày nay, trên bờ một con trạch thoát triều cũ, chảy ra sông Lạch Tray, thuộc địa phận xã Quốc Tuấn, huyện An Dương vẫn còn 2 ngôi miếu nhỏ, một thờ bà chị, một thờ ông em. Tương truyền đây là nơi xưa kia dân làng an táng 2 vị, nơi đây đặt bài vị, bát hương. Tháng 3 âm lịch hàng năm, dân làng mở hội nghi lễ thành hoàng từ 2 ngôi miếu về đình làm lễ mở hội. Đình Nhu Thượng từ lâu đã trở nên thân quen với người dân địa phương bởi quy mô kiến trúc bề thế, nghệ thuật chạm, khắc trên gỗ khá tinh tế, mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn đầu thế kỷ XIX. Đình cấu trúc kiểu chữ Đinh, gồm 5 gian tiền đường, 3 gian hậu cung bề thế được xây dựng theo thức chồng diêm, nóc các, 2 tầng, 8 mái cao vượt hẳn lên so với 5 gian tiền đường, dựng năm Tự Đức 14 (1861). 20 năm sau, mùa xuân năm Tự Đức 34 (1882), dân làng dựng tiếp 5 gian tiền đường, nối với tòa hậu cung bằng cách tận dụng nguồn vật liệu gỗ, đá của ngôi đình cũ ven sông. Đình Nhu Thượng được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hóa năm 1991. NGUỒN: Cổng Thông tin điện tử thành phố Hải Phòng

Hải Phòng 1051 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Điểm di tích nổi bật