Lễ hội cúng biển Mỹ Long
Lễ hội Cúng biển Mỹ Long, còn có tên gọi khác là lễ hội Nghinh ông hay lễ Tế Cửa Nam Hải, là một lễ hội dân gian truyền thống tiêu biểu của cộng đồng cư dân người Kinh sinh sống bằng nghề hạ bạc trên vùng đất ven biển Trà Vinh.
Lễ hội Cúng biển diễn ra vào ba ngày 10 đến 12 tháng 5 âm lịch hàng năm tại ngôi miếu thờ Bà Chúa Xứ, mở rộng ra khắp địa bàn thị trấn Mỹ Long, huyện Cầu Ngang, cách thành phố Trà Vinh 30 km, về hướng đông. Cúng biển từ lâu đã trở thành ngày hội lớn không chỉ của ngư dân Mỹ Long, người dân trong tỉnh Trà Vinh mà còn thu hút đông đảo khách thập phương từ các tỉnh lân cận như Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Sóc Trăng… về tham dự.
Thị trấn Mỹ Long, còn có tên gọi dân gian là Bến Đáy, vốn là ngôi làng nhỏ ven cửa biển Cung Hầu, được lập khoảng thế kỷ XVI – XVII bởi các thế hệ ngư dân gốc gác từ các tỉnh ven biển Nam Trung bộ di cư vào. Cũng như nhiều làng chài khắp Nam bộ, khi ngư dân miền Trung di cư vào luôn mang theo hành trang văn hóa bản địa, trong đó có tín ngưỡng thờ Cá voi. Đối với người đi biển, Cá voi là vị phúc thần hóa thân từ chiếc áo cà sa của đức Phật, được đức Phật giao sứ mạng tuần tra và sẵn sàng ra tay cứu giúp khi có tàu thuyền không may lâm nạn giữa gió to sóng dữ. Tương truyền, khi chúa Nguyễn Ánh bị nghĩa quân Tây Sơn truy đuổi đến bờ nam cửa biển Cung Hầu thì Cá voi nổi lên, đưa ngài cùng đám tàn quân vượt sóng sang bờ cù lao Cổ Chiên an toàn. Sau khi lên ngôi, vua Gia Long đã ban sắc phong cho Cá voi là Quốc gia Nam Hải Cự tộc Ngọc lân chi thần hay còn gọi là Nam Hải Đại tướng quân, được ngư dân các làng ven biển tôn thờ. Khi đức Ông lỵ (tức Cá voi chết) và dạt vào bờ, ngư dân sở tại có nhiệm vụ phải tổ chức tang lễ, sau đó dựng lăng đưa di cốt vào thờ. Ngày giỗ đức Ông trở thành ngày hội của làng.
Tuy nhiên, do cửa biển Cung Hầu tại thị trấn Mỹ Long là bãi bồi phù sa nên trong lịch sử, chưa từng được đức Ông lỵ nên không có lăng Ông và cũng chẳng có ngày giỗ Ông để làng chài mở hội. Với niềm tin sẵn có, mỗi năm cứ đến lệ tháng Năm âm lịch là cả làng nghề đáy biển Mỹ Long giong thuyền sang cù lao Cổ Chiên, bên kia cửa biển Cung Hầu, bày tỏ lòng thành tế tự cùng người dân địa phương. Cửa biển rộng nhiều gió to sóng dữ, cộng thêm chiến tranh loạn lạc, việc đi lại khó khăn nguy hiểm nên dần dần ngư dân Mỹ Long cung thỉnh linh vị đức Ông về phối tự tại ngôi miễu Bà Chúa Xứ vừa xây dựng giữa làng chày Bến Đáy. Từ cuối thập niên 1920, lễ hội Cúng biển hay lễ hội Nghinh ông Mỹ Long chính thức được tiến hành long trọng và duy trì cho đến ngày nay.
Do được phối tự tại ngôi miếu Bà Chúa Xứ nên lễ hội Cúng biển Mỹ Long bao gồm một chuỗi các nghi thức vừa là lễ hội Nghinh ông vừa là lễ hội Vía bà. Đây chính là nét đặc thù của lễ hội Cúng biển Mỹ Long so với các lễ hội cùng dạng thức tại các tỉnh ven biển từ Trung bộ vào Nam.
Cúng biển Mỹ Long là một hoạt động văn hóa truyền thống gắn với tín ngưỡng thờ Cá voi được người dân thị trấn Mỹ Long bảo tồn và thực hiện liên tục trong gần một thế kỷ đã qua. Qua từng năm, lễ hội này được tiến hành một cách trọng thể, quy củ hơn, thu hút đông đảo hơn người dân trong, ngoài tỉnh và là dịp để những người con của quê hương đang định cư, làm ăn, sinh sống ở nước ngoài tìm về cội nguồn, thăm lại quê cha đất tổ.
Năm 2013 Lễ hội Cúng biển Mỹ Long đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 3820/QĐ/BVHTTDL, đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Từ 05/06/2025 - 07/06/2025