Ứng dụng thuyết minh khám phá du lịch Việt Nam

Khám phá lịch sử, văn hóa, con người và cảnh đẹp Việt Nam trên ứng dụng du lịch Travelviet

Tải ứng dụng Travelviet

Logo Travelviet

Di tích lịch sử

Quảng Nam

Thánh địa Mỹ Sơn

Khu di tích Mỹ Sơn (thuộc xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam), là một quần thể kiến trúc nổi tiếng nhất của người Chăm ở Việt Nam. Khu di tích Mỹ Sơn được xây dựng từ cuối thế kỷ IV, đến thế kỷ XIII. Ngày 29/4/1979 Bộ Văn hóa-Thông tin đã công nhận Mỹ Sơn là Di tích lịch sử văn hoá, kiến trúc nghệ thuật. Hiện nay, nơi đây đã được thủ tướng chính phủ Việt Nam đưa vào danh sách xếp hạng 23 di tích quốc gia đặc biệt quan trọng. Được khởi công từ thế kỷ IV bởi vị vua Bhadravarman (trị vì từ năm 349 đến năm 361) và kết thúc vào cuối thế kỷ thứ XIII, đầu thế kỷ XIV dưới triều vua Jaya Simhavarman III (Chế Mân), Mỹ Sơn là một quần thể với hơn 70 ngôi đền tháp mang nhiều phong cách kiến trúc, điêu khắc tiêu biểu cho từng giai đoạn lịch sử của vương quốc Chămpa. Hầu hết các công trình kiến trúc, tác phẩm điêu khắc tại Mỹ Sơn đều chịu ảnh hưởng của Ấn Độ giáo. Các đền tháp phần lớn quay về hướng đông-phương mặt trời mọc, chỗ trú ngụ của thần linh; ngoại trừ một vài tháp quay về hướng tây hoặc cả hai hướng đông-tây, thể hiện tư tưởng hướng về thế giới bên kia của các vị vua sau khi chết được phong thần và để tỏ lòng hoài niệm tổ tiên. Bị chiến tranh tàn phá, đến năm 1975, Mỹ Sơn chỉ còn lại 32 công trình, trong đó khoảng 20 công trình còn giữ được dáng vẻ ban đầu. Đáng tiếc công trình lớn nhất là tháp A1 cao 24m, có 6 tháp phụ chung quanh, tháp này được đánh giá là kiệt tác của kiến trúc Chămpa đã bị bom Mỹ đánh đổ vào cuối năm 1969. Những đền thờ chính ở Mỹ Sơn thờ một bộ Linga hoặc hình tượng của thần Siva-Đấng bảo hộ của các dòng vua Chămpa. Vị thần được tôn thờ ở Mỹ Sơn là Bhadravarman, là vị vua đã sáng lập dòng vua đầu tiên của vùng Amaravati vào thế kỷ IV kết hợp với tên thần Siva, trở thành tín ngưỡng chính thờ thần-vua và tổ tiên hoàng tộc. Sau bao nhiêu năm thăng trầm, biến thiên của lịch sử, ngày nay Thánh địa Mỹ Sơn vẫn còn là một di tích có giá trị văn hoá, nghệ thuật, kiến trúc độc đáo của nhân loại, nó kết tinh của trí tuệ, tài hoa của nhiều thế hệ. Khu di tích Mỹ Sơn đã được Ủy ban Di sản Thế giới của UNESCO chính thức công nhận là Di sản văn hoá Thế giới vào ngày 1/12/1999. Điểm nổi bật dễ nhận thấy ở đây là những kiến trúc Chăm pa cổ dường như vẫn còn nguyên vẹn như tượng thần Siva, bia đá, các linh vật cùng hệ thống đền tháp xưa. Sau khi đã đi hết các khu vực tham quan ở đây cũng như được nghe giới thiệu về thánh địa Mỹ Sơn, du khách sẽ được trải nghiệm nét văn hóa của người Chăm pa cổ qua những chương trình biểu diễn nghệ thuật như thổi kèn, múa. Những vũ điệu Siva đầy uyển chuyển, cuốn hút sẽ để lại những ấn tượng thật khó phai. Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Nam

Quảng Nam 2589 lượt xem

Xếp hạng : Di tích quốc gia đặc biệt Mở cửa

Phố cổ Hội An

Đô thị cổ Hội An (tỉnh Quảng Nam) vừa được Tổ chức giải thưởng Du lịch thế giới - World Travel Awards (WTA) lần đầu tiên trao giải “Điểm đến thành phố văn hóa hàng đầu châu Á”, khẳng định sức hút của Di sản văn hóa thế giới UNESCO. Được hình thành và phát triển từ thế kỷ 16, Hội An - đô thị cổ nằm bên bờ sông Hoài thơ mộng, thuộc vùng đồng bằng ven biển tỉnh Quảng Nam, từng là một trong những thương cảng quốc tế sầm uất bậc nhất khu vực. Giai đoạn từ thế kỷ 16, đây là nơi tập trung hàng hóa của các thương nhân đến từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hà Lan, Ấn Độ, Tây Ban Nha… Chính vì vậy, Hội An được coi là điểm hội tụ và giao thoa của những nền văn hóa Đông - Tây. Đến nay, Hội An đã trở thành điểm đến nổi tiếng không thể thiếu trong hành trình khám phá dải đất miền Trung. Đô thị cổ Hội An nổi tiếng với lối kiến trúc điển hình về thương cảng truyền thống của khu vực Đông Nam Á và đến nay vẫn được bảo tồn gần như nguyên vẹn. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, dòng chảy thời gian phủ lên phố Hội một vẻ đẹp bình yên và trầm mặc. Trái ngược với đô thị hiện đại, Hội An gây ấn tượng với du khách bằng những ngôi nhà lợp mái rêu phong, bức tường sơn vàng cổ kính và những chiếc đèn lồng làm nên thương hiệu Hội An. Tháng 11/2019 tới đây, Phố cổ Hội An sẽ tròn 20 năm được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới. Nơi đây sở hữu một hệ thống gồm 1.360 di tích, trong đó có 1.068 ngôi nhà cổ, 11 giếng nước cổ, 38 nhà thờ tộc, 19 ngôi chùa, 43 miếu thờ thần, 23 ngôi đình, 44 ngôi mộ cổ loại đặc biệt và 1 cây cầu cổ. Với lối kiến trúc độc đáo, mỗi ngôi nhà ở Hội An đều đảm bảo sự hài hòa giữa không gian sống và thiên nhiên. Vì vậy ngoài việc bố trí ngôi nhà thành nhiều gian thì phần sân trời của ngôi nhà được lát đá và trang trí bể nước, non bộ, cây cảnh, tạo nên một không gian thoáng đãng và tràn ngập ánh sáng. Một nét đặc trưng trong kiến trúc ở Hội An là những con phố được xây dựng theo hình bàn cờ, uốn lượn theo ven sông và ôm ấp những ngôi nhà. Ở mỗi góc nhỏ bình yên ấy, du khách dễ dàng bắt gặp những gánh hàng rong với nhiều món ẩm thực nổi tiếng như cao lầu, mì Quảng, bánh mì, cơm gà… hay những cửa hàng bày bán các đồ dùng thủ công mỹ nghệ. Tất cả như phản ánh cuộc sống sinh hoạt giản dị, chậm rãi và hồn hậu của người dân nơi đây. Dạo bước tại Hội An, du khách sẽ có cơ hội ghé thăm những ngôi chùa có niên đại hàng trăm năm tuổi (như Chùa Cầu, Chùa Phước Lâm, Chùa Vạn Đức…), chiêm ngưỡng các công trình Hội quán của người Hoa với lối kiến trúc cầu kỳ, sặc sỡ, hòa mình vào không khí lễ hội nhộn nhịp với các trò chơi dân gian như hát bài chòi, hò khoan, đấu cờ tướng… Vào ngày 4/12/1999, khu di tích phố cổ Hội An đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Đến năm 2009, phố cổ Hội An được nhà nước ta xếp hạng là một trong những di tích lịch sử Quảng Nam, được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Giải thưởng “Điểm đến Thành phố văn hóa hàng đầu châu Á” là lời khẳng định và tôn vinh những giá trị văn hóa đặc sắc của Di sản Văn hóa thế giới Hội An, đồng thời góp phần quảng bá hình ảnh du lịch Hội An nói riêng, du lịch Việt Nam nói chung đến đông đảo du khách quốc tế. Nguồn: Cục du lịch quốc gia Việt Nam

Quảng Nam 2416 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Điểm di tích nổi bật