Lễ hội Nghinh Ông huyện Cần Giờ Thành phố Hồ Chí Minh
1. Tên lễ hội: Lễ hội Nghinh Ông huyện Cần Giờ Thành phố Hồ Chí Minh.
2. Thời gian, địa điểm tổ chức:
Trước đây, lễ hội được diễn ra vào khoảng trung tuần của tháng ba âm lịch, nhưng từ năm 1914, do điều kiện kinh tế, đánh bắt thủy hải sản của ngư dân nên lễ hội được dời vào ngày rằm tháng tám là thời gian ngư dân đánh bắt được mùa, vì thế lễ hội trùng với Tết Trung Thu của các em thiếu nhi. Lễ hội Nghinh Ông được tổ chức trong 03 ngày (từ ngày 15 đến ngày 17 tháng 8 âm lịch hàng năm) với quy mô cấp thành phố.
Lễ hội Nghinh Ông huyện Cần Giờ được tổ chức chính tại di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố Lăng Ông Thủy Tướng (hay còn gọi là Thạnh Phước Lạch) và một số địa điểm như Công viên văn hóa di tích lịch sử quốc gia Căn cứ Rừng Sác, di tích lịch sử cấp thành phố đình Cần Thạnh, những con đường trung tâm của thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ và trên biển.
Ngoài ra, ở một số địa điểm là đình, miếu có thờ cá Ông như: di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố đình Bình Khánh (xã Bình Khánh), đình Đồng Hoà (xã Long Hòa), đình An Thới Đông, đình Thạnh An (xã Thạnh An), đình Tam Thôn Hiệp (xã Tam Thôn Hiệp), đình An Thới Đông (xã An Thới Đông), miếu Bà (xã Long Hòa) cũng tổ chức cúng Ông vào ngày rằm (15 tháng 8 âm lịch), sau khi cúng Ông xong, tất cả ngư dân cùng tụ hội về thị trấn Cần Thạnh để tham dự Lễ hội Nghinh Ông.
3. Nguồn gốc hình thành và ý nghĩa của lễ hội:
Cần Giờ là một huyện ngoại thành của Thành phố Hồ Chí Minh, có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời. Cuộc sống của những người dân nơi đây gắn liền với cuộc sống sông nước, đánh bắt thủy hải sản. Trong sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức có viết: “Cửa biển Cần Giờ, cửa rộng chừng 5 dặm, nước triều lên thì sâu 12 tầm, nước triều xuống sâu 9 tầm; cách trấn lỵ về phía đông 142 dặm rưỡi, có thủ ngự đạo Cần Giờ, điếm chợ trù mật, dân theo nghề chài cá. Trong cảng nước sâu rộng bằng phẳng, ngày thường có thuyền buôn ra vào, là một cửa biển đông đúc nhất thành Gia Định, không đâu ví bằng”( ). Chính vì gắn liền với cuộc sống sông nước, phụ thuộc vào công việc đánh bắt thủy hải sản trên biển, cho nên, qua bao thời kỳ phát triển của lịch sử, ngư dân Cần Giờ luôn xem Thần Nam Hải (cá Ông, cá Voi) là vị Thần che chở cho ngư dân trong cuộc sống. Và từ xa xưa, ngư dân Cần Giờ đã lập Miếu Hải Thần (tức di tích Lăng Ông Thủy Tướng hiện nay) để thờ cúng Thần Nam Hải (cá Ông, cá Voi). Việc thờ cúng cá Voi, cá Ông qua thời gian dần thành lễ hội nên người dân nơi đây gọi là Lễ hội Nghinh Ông (hay còn gọi là tục thờ cúng cá Ông, cá Voi).
Sự ra đời của tín ngưỡng thờ cá Ông gắn với hai truyền thuyết dân gian được lưu truyền đến nay đó là:
- Truyền thuyết thứ nhất gắn với Phật giáo có nội dung “cá Ông là tiền thân của đức Quan Thế Âm Bồ Tát đã có lần hóa thân để cứu khổ chúng sinh”;
- Truyền thuyết thứ hai gắn với buổi đầu lập quốc của Nguyễn Ánh “Khi bị quân Tây Sơn truy đuổi, thủy quân của Nguyễn Ánh tháo chạy ra biển và gặp phải sóng to gió lớn, trong lúc nguy khốn bỗng có một con cá Ông to lớn ghé đưa thuyền vào bờ. Sau này khi thắng quân Tây Sơn và lên ngôi vua, nhớ ơn cứu mạng, Nguyễn Ánh đã phong tặng cá Ông là Nam Hải Đại Tướng quân và cho dân lập miếu thờ cúng cá Ông…”
- Riêng tại Cần Giờ, truyền thuyết về cá Ông được lưu truyền phổ biến hiện nay là “ngày 16 tháng 8 âm lịch, do cá Ông sao lãng nhiệm vụ, để chìm một chiếc ghe làm chết nhiều người trong một cơn bão, nên cá Ông bị Long Vương Thủy Tề trừng phạt, cho cá Đao chém làm ba khúc, xác tấp vào Thắng Tam (Vũng Tàu), Phước Tỉnh (Long Đất) và Cần Thạnh (Cần Giờ), mỗi làng thỉnh một bộ phận thi thể cá Ông về thờ cúng.
Điều đó khẳng định rằng, Lễ hội Nghinh Ông hay tục thờ cúng cá Ông (tức cá Voi) đã được lưu truyền từ lâu đời trong đời sống văn hóa tinh thần và xã hội của ngư dân ven biển huyện Cần Giờ. Nguồn gốc lễ hội này gắn với truyền thuyết dân gian được du nhập vào Cần Giờ trong quá trình giao lưu văn hóa của ngư dân Cần Giờ với ngư dân các tỉnh ven biển từ Quảng Bình đến Hà Tiên. Đây là lễ hội truyền thống gắn liền với tín ngưỡng thờ cúng cá Ông (cá Voi) nhằm cầu nguyện sự bình an khi ra biển và ước mong một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Lễ hội Nghinh Ông là lễ hội tổng kết một mùa đánh bắt trên biển của ngư dân và chuẩn bị cho một mùa đánh bắt mới với những ước vọng một mùa bội thu. Đây là lễ hội thể hiện tấm lòng thành kính, biết ơn, tạ ơn Thần Nam Hải (cá Ông) và Thần Biển của ngư dân huyện Cần Giờ.
Đồng thời, lễ hội còn thể hiện tinh thần “uống nước nhớ nguồn”, là dịp để ngư dân tưởng niệm về những người con Cần Giờ có công đầu trong việc chế tạo ra những phương tiện đi biển, ngư cụ đánh bắt thủy hải sản để phục vụ cho ngư dân nhưng đã qua đời và những người đã bỏ mình trong lòng biển sâu. Lễ hội còn là dịp để ngư dân nghỉ ngơi, vui chơi giải trí sau những ngày đi biển gian khổ, bạn bè gần xa có thời gian thăm hỏi, chúc tụng lẫn nhau và qua đó trao đổi những kinh nghiệm đi biển, nâng cao hiệu quả sản xuất, đánh bắt thủy hải sản. Vì vậy, lễ hội đã trở thành ngày Tết của ngư dân, ngày tết trung thu của thiếu nhi trong toàn huyện Cần Giờ.
Lễ hội Nghinh Ông được tổ chức hàng năm một lần, tuy nhiên quy mô tổ chức lễ hội tùy vào hoàn cảnh kinh tế của ngư dân và kết quả đánh bắt trong năm mà họ tổ chức đơn giản hay long trọng. Tại di tích Lăng Ông Tủy Tướng, thị trấn Cần Thạnh, khoảng hơn 10 năm trở lại đây, lễ hội Nghinh Ông được tổ chức rất long trọng, nghi lễ chính được phục hồi và phát triển trở thành lễ hội lớn của nhân dân huyện Cần Giờ và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, thu hút ngày càng đông ngư dân ven biển và khách thập phương đến dự lễ.
Từ 06/10/2025 - 08/10/2025