Ứng dụng thuyết minh khám phá du lịch Việt Nam

Khám phá lịch sử, văn hóa, con người và cảnh đẹp Việt Nam trên ứng dụng du lịch Travelviet

Tải ứng dụng Travelviet

Logo Travelviet

Đền thờ và khu mộ cụ Nguyễn Thông

Đền thờ và khu mộ cụ Nguyễn Thông

Ông sinh ngày 28/5/1827 tại làng Bình Thạnh, tổng Thạch Hội Hạ, huyện Tân Thạnh, phủ Tân An, tỉnh Gia Định (nay là xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành, tỉnh Long An), có tên tự là Hy Phần, hiệu Kỳ Xuyên, biệt hiệu Độn Am. . Thông minh, ham học nhưng Nguyễn Thông lại sớm mồ côi. Với sự nỗ lực vươn lên của mình, ông đã làm Tu Nghiệp Quốc Tử Giám. Khi Pháp xâm chiếm Nam Kì, ông cùng các sĩ phu nơi đây không chịu hợp tác và đi tị địa tại Bình Thuận. Cả cuộc đời mình, ông hết lòng lo cho nước, cho dân…Khi ông tròn 10 tuổi thì mẹ bạo bệnh qua đời. 7 năm sau thì cha ông cũng mất. Gia đình ông từ đấy lâm vào cảnh khốn khó, do đó Thông phải bươn chải kiếm sống để lo cho cả nhà. Ham học nhưng chẳng có thầy giáo kèm cặp nên hai anh em phải tự học với nhau. Cho đến khi ông Nguyễn Nhữ Hiền được triều đình bổ nhiệm đến làm phủ ở Tân An thì hai anh em tìm đến xin thọ giáo. Thời gian học thầy Hiền chẳng được bao lâu thì thầy lại bị điều về kinh đô. Năm 1849 (năm Kỷ Dậu, triều vua Tự Đức), Nguyễn Thông đã thi đỗ cử nhân, nhưng đến kì thi hội ông đã bị đánh rớt chỉ vì lí do là tập bài thi bị dính mực. Cũng bởi nhà nghèo nên Thông không thể tiếp tục sự nghiệp đèn sách được nữa và ông nhận chức huấn đạo tại Phú Phong – tỉnh An Giang. Năm 1855, ông ra Huế, rồi sau đó một năm được thăng chức Hàn Lâm viện tu soạn, vào làm trong nội các, tham gia soạn sách “Nhân sự kim giám” (Gương vàng soi việc người). Khi Pháp xâm chiếm miền Đông Nam Kì vào năm 1859, Nguyễn Thông đã tình nguyện tòng quân và làm tham mưu đắc lực cho Thống đốc quân vụ Tôn Thất Hiệp, trông coi việc cơ mật. Đại đồn Chí Hòa bị thất thủ năm 1861, rồi tỉnh Biên Hòa cũng bị Pháp chiếm đóng. Sau khi chiến đấu ở trận Chí Hòa, cậu ông là Trịnh Quang Nghi cùng bạn là Phan Văn Đạt lại chiêu mộ nghĩa binh chống quân Pháp ở Gò Công và Tân An. Nguyễn Thông đã tham gia phong trào ấy. Phan Văn Đạt bị Pháp bắt giết, còn Thông may mắn thoát được. Năm sau cậu ông lại giúp Trương Định rất đắc lực trong chức Tham tán quân vụ. Đến năm 1862, Pháp buộc ta phải nhượng 3 tỉnh miền Đông, nhờ cụ Phan Thanh Giản đề cử nên Nguyễn Thông được bổ nhiệm làm Đốc học Vĩnh Long. Tại đây ông vẫn giữ liên lạc với cậu, đồng thời vẫn liên lạc với các sĩ phu yêu nước, trong đó có những sĩ phu dời gia đình từ miền Đông sang. Cũng thời gian này, ông đã cho xây dựng lại Văn Thánh Miếu Vĩnh Long. Năm 1867, Pháp đã bức chiếm thành Vĩnh Long, ông và nhiều sĩ phu Nam Kì không chịu hợp tác nên đã tị địa ra tại Bình Thuận. Nguyễn Thông đã cùng chiến hữu bàn nhau việc điều tra, liên lạc với Biên Hòa, đồng thời cũng tích cực phát triển nghề nông, sản xuất lương thực lo kế lâu dài đánh Pháp. Chính ông đã tổ chức việc đi thám hiểm các vùng cao nguyên La Ngư, Ba Dầu (Bình Tuy), ghi rõ địa hình, địa thế khả năng khai hoang và vẽ rõ địa đồ. Sau đó, ông bị điều động đi Khánh Hòa, rồi ra Quảng Ngãi, Huế. Cuối 1867, ông làm Án Sát tỉnh Khánh Hòa và dâng sớ xin truy tặng tên thụy cho cụ Phan Thanh Giản và điều trần 4 vấn đề ích nước lợi dân nhưng bị triều đình Huế bác bỏ. Năm 1870, Nguyễn Thông làm Biện lí Bộ hình rồi Bố Chánh Quảng Ngãi. Đặc biệt ở Quảng Ngãi trong 3 năm, ông đã làm nhiều việc có lợi ích cho nông dân, nhất là công tác thủy lợi. Cũng thời gian này, ông bị mang một nỗi oan án là bị tố cáo xử án thất xuất nên bị triều đình cách chức, bị tống giam vào ngục và bị xử trượng. Người dân và quân lính đều rất thương mến ông nên đứng ra xin quan Khâm sai Nguyễn Bính mới vào nhậm chức tại Quảng Ngãi xem xét lại tội trạng của ông. Có người còn tự nguyện đến tận kinh thành gặp vua kêu oan cho ông. Vua thương tình nên tha cho ông và cho điều tra lại mới hay vụ việc này là do tên cường hào Lê Doãn vu cáo ông. Thời gian này, ông được triều đình chấp nhận 2 nguyện vọng, đó là: tổ chức trồng cây và định rõ việc học sử, xin ban cấp sách học các trường. Đến năm 1876, ông trở ra Huế làm Tu nghiệp Quốc Tử Giám. Ông cùng các ông Bùi Ước, Hoàng Dung Tân khảo duyệt bộ “Khâm định Việt sử cương mục”. và cũng nhân dịp về kinh đô Huế lần này, ông soạn bộ “Việt sử cương giám khảo lược”. Đồng thời ông dâng sớ và được chuẩn y việc khai khẩn vùng Tây Nguyên từ biên giới Campuchia đến Quảng Trị, thu nạp dân Nam Kì ra. Thế nhưng cuối cùng việc này đã bị quân Pháp phản đối nên triều đình Nguyễn ra lệnh bãi bỏ. Năm 1880, Nguyễn Thông làm Phó sứ diễn nông kiêm Đốc học tỉnh Bình Thuận, ông còn bàn với những người đồng hương tị địa chính thức lập Đồng Châu Xã để họ có tổ chức tương tự làm ăn, sản xuất ổn định cuộc sống tại Bình Thuận sau khi chạy lánh từ trong Nam ra. Ông dựng một ngôi nhà nhỏ bên cạnh sông Phan Thiết (nay là khu vực di tích Dục Thanh), đặt tên là Ngọa Du Sào (Tổ nằm chơi) để đọc sách, làm thơ, trên vách có vẽ một số cảnh tiêu biểu mà đời ông trãi qua. Ông chính thức coi Bình Thuận là quê hương thứ 2 của mình. Năm 1884, Nguyễn Thông mất. Mộ ông được xây cất dưới chân núi Cố (núi Ngọc Sơn) thuộc thôn Ngọc Sơn – phường Phú Hài – thành phố Phan Thiết – Bình Thuận. Ngôi mộ cụ Doanh điền sứ Bình Thuận Nguyễn Thông được xây dựng khá đơn giản và gần gũi. Mộ có chiều dài gần 9 mét rưỡi, rộng gần 6 mét rưỡi. Phần chính mộ đắp hình con lân như những ngôi mộ cổ của người đời xưa. Xung quanh khu mộ được trồng cây cảnh rất đẹp, nhìn vào khu lăng mộ Doanh điền sứ Bình Thuận bây giờ trông rất hoành tráng. Khu lăng mộ này đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử năm 1999. Tham quan khu lăng mộ, chúng tôi thật sự bồi hồi khi nhớ tới công lao của nhà hoạt động chính trị, xã hội, nhà giáo dục, nhà văn, nhà viết sử… Nguyễn Thông đối với dân tộc ta. Nguồn Cổng thông tin điện tử phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết , tỉnh Bình Thuận.

Bình Thuận 398 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia.

Mở cửa

Điểm di tích nổi bật

Điểm du lịch tại Bình Thuận

Vé vui chơi tại Bình Thuận