Ứng dụng thuyết minh khám phá du lịch Việt Nam

Khám phá lịch sử, văn hóa, con người và cảnh đẹp Việt Nam trên ứng dụng du lịch Travelviet

Tải ứng dụng Travelviet

Logo Travelviet

Địa điểm khởi phát phong trào chống sưu thuế năm 1908 ở miền Trung

Địa điểm khởi phát phong trào chống sưu thuế năm 1908 ở miền Trung

Phong trào chống sưu cao, thuế nặng ở Quảng Nam và các tỉnh miền Trung đã trải qua hơn một thế kỷ song những giá trị lịch sử mà phong trào mang lại vẫn còn vẹn nguyên cho đến ngày hôm nay…. “Sòng dân Đại Lộc”… Năm 1858, thực dân Pháp nổ tiếng súng đầu tiên vào cửa biển Đà Nẵng mở đầu cho việc xâm lược nước ta. Các phong trào yêu nước liên tục nổ ra ở khắp nơi nhưng cuối cùng bị thất bại. Năm 1897, thực dân Pháp tiến hành chính sách “khai thác thuộc địa” lần thứ nhất bằng những chính sách thực dân phản động và bảo thủ, bóc lột nhân dân ta hết sức thậm tệ, tàn ác đặc biệt là chính sách sưu thuế. Người dân không những phải nộp thuế mà còn phải đi phu, lao dịch, đắp đường… Biết bao nhiêu người bỏ mạng, biết bao nhiêu người mang thương tật cả đời.. Những hình ảnh tang thương đó đã đi vào ca dao: Từ ngày Tây lại cửa Hàn Đào sông Cu Nhí, bòn vàng Bồng Miêu Huyện Đại Lộc là một trong những địa phương của tỉnh Quảng Nam mà nhân dân chịu nhiều thống khổ bởi chính sách cai trị tàn bạo thực dân phong kiến. Đói khát, bệnh tật cộng thêm thiên tai, hạn hán liên miên đã dìm cuộc sống của những người nông dân xuống tận cùng của đau khổ. Tên tri huyện lúc đó lại lợi dụng chính sách tăng thuế để khai khống số dân nhằm thu lợi cho cá nhân. Trước tình cảnh đó, vào đầu tháng 3 năm 1908, tại một bữa đám giỗ tộc Trương làng Phiếm Ái, xã Đại Nghĩa; một số hào lý đã bàn nhau làm đơn lấy chữ ký của các lý trưởng các làng xã trong huyện gửi quan huyện xin giảm nhẹ sưu cùng các món thuế bởi nhân dân quá khổ trước chính sách sưu, thuế hiện hành; nếu không được sẽ gửi lên Tòa Công sứ Pháp tại Hội An. Do việc làm xuất phát từ sự thương dân, vì quyền lợi chính đáng của đa số nhân dân, nên những người "làm đơn lấy chữ ký ", được nhân dân trong huyện gọi là "Đồng dân" và cuộc "Xin sưu" do họ khởi xướng được gọi là "Sòng Đồng Dân" hay là "Sòng dân Đại Lộc". Ngày 11-3-1908, hơn 400 người dân ăn mặc rách rưới kéo xuống huyện đường, nhưng viên Tri huyện không dám nhận đơn, lại cấp báo với viên quan tỉnh và Công sứ Pháp nên đoàn biểu tình bèn kéo nhau đi vây dinh Tổng đốc rồi vây luôn cả tòa Công sứ. Nhân dân các phủ huyện như Điện Bàn, Duy Xuyên, Tam Kỳ, Hội An, Hòa Vang… cũng đồng loạt hưởng ứng tại địa phương mình, và còn kéo về Hội An nên số người biểu tình ở đây mỗi lúc một đông. Trước sức ép của quần chúng nhân dân, chính quyền thực dân phong kiến đã thẳng tay đàn áp, bắt một số người lãnh đạo phong trào đày đi các nhà tù hoặc xử trảm. Phong trào đấu tranh chống sưu cao, thuế nặng sau một thời gian cũng bị chính quyền thực dân, phong kiến đàn áp. Tuy nhiên, phong trào nhận được sự hưởng ứng, tham gia của đông đảo quần chúng nhân dân bởi vì đây là phong trào đấu tranh vì quyền lợi chính đáng của những người dân nghèo khổ chống lại sự bóc lột của bộ máy cai trị thối nát lúc bấy giờ. Phong trào chống sưu thuế năm 1908 cũng thể hiện được lòng yêu nước, tinh thần, sức mạnh đoàn kết của nhân dân. Xuất phát từ lòng căm thù bọn thực dân xâm lược, bè lũ phong kiến tay sai bán nước hại dân, dưới sự lãnh đạo của những sĩ phu yêu nước, những người nông dân “áo rách nón cời” đã vùng lên tranh đấu. Lúc đầu, phong trào chỉ xuất phát ở một huyện, sau đó nhanh chóng lan ra các huyện, phủ trong tỉnh Quảng Nam và các tỉnh miền Trung. Lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết của nhân dân ta từ xưa đến nay cũng chính là giá trị bất biến, góp phần quan trọng vào sự thành công trong quá trình xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước. Phong trào chống sưu thuế đã giáng một đòn rất mạnh vào bộ máy chính quyền thực dân phong kiến đương thời. Ở Quảng Nam và các tỉnh miền Trung, nhân dân nổi dậy phá buồng giam, đốt dụng cụ tra tấn, giải phóng tù nhân; hàng loạt những tên tay sai gian ác bị quần chúng nhân dân vây bắt, có những tên ác ôn còn bị trừng trị thích đáng. Dù ở đâu, các cuộc nổi dậy của nhân dân đều có sự “dẫn đường chỉ lối” của các nho sinh, thân sĩ- những người có nhận thức nhất định về xã hội lúc đó. Mặc dù phong trào đã thất bại song nó đã mang đến ánh sáng mới cho con đường cách mạng Việt Nam. Giai cấp nông dân chính là lực lượng nòng cốt cho các phong trào cách mạng sau này. Trước sức mạnh bởi đòn roi, súng đạn của kẻ thù, những yêu sách mang tính ôn hòa sẽ không mang lại kết quả; chỉ có bạo lực cách mạng mới đủ sức chống lại bạo lực phản cách mạng. Phong trào đã được nhận xét là “một cuộc cách mạng được chuẩn bị một cách cực kỳ khéo léo”. 110 năm đã trôi qua, phong trào chống sưu thuế ngày ấy mới chỉ là bước mở đầu cho những phong trào cách mạng sục sôi sau này. Nhưng giá trị hiện hữu mà cho đến hiện nay chúng ta vẫn phải khẳng định đó là sức mạnh của lòng dân. Ngày ấy, trước sự vận động của các nhà nho yêu nước, quần chúng nhân dân “cơm đùm gạo gói” thay nhau đi đấu tranh đòi giảm sưu, giảm thuế. Hàng ngàn người chia nhau từng ngụm nước, từng nắm cơm, chăm sóc, động viên những người bị thương… Họ đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, không vụ lợi, không toan tính cho cá nhân mình. Họ làm tất cả mọi việc chỉ với mục đích duy nhất là chống lại ách thống trị tàn bạo của chính quyền thực dân phong kiến; đòi lại quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho những kiếp người lao khổ. Phong trào chống sưu thuế ở Quảng Nam và các tỉnh miền Trung đã đi vào lịch sử đấu tranh của dân tộc ta như một mốc son sáng ngời. Ghi nhận những giá trị lịch sử to lớn của phong trào chống sưu thuế; ngày 29/12/2017, Bộ trưởng Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 5400/Quyết Định -Bộ Văn Hóa Thể Thao Du Lịch về việc xếp hạng Di tích lịch sử Địa điểm khởi phát phong trào chống sưu, thuế năm 1908 ở miền Trung (Đình Phiếm Ái và Nhà Ông Nghè Tiếp), xã Đại Nghĩa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam là di tích quốc gia.

Quảng Nam 320 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia.

Mở cửa

Điểm di tích nổi bật

Điểm du lịch tại Quảng Nam

Vé vui chơi tại Quảng Nam