Ứng dụng thuyết minh khám phá du lịch Việt Nam

Khám phá lịch sử, văn hóa, con người và cảnh đẹp Việt Nam trên ứng dụng du lịch Travelviet

Tải ứng dụng Travelviet

Logo Travelviet

Chùa Ông

Chùa Ông

Chùa Ông (Quan Thánh Tự ) tọa lạc tại thị tứ Thu Xà, xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa, cách thành phố Quảng Ngãi 10km về hướng đông. Chùa được 4 bang người Hoa Minh hương (Phúc Kiến, Triều Châu, Hải Nam, Quảng Đông) sống tại vùng Thu Xà kiến lập vào năm Minh Mạng thứ hai (1821) và đã trải qua 4 lần trùng tu vào các năm 1881, 1894, 1920, 1991. Chùa Ông thờ Quan Vũ ở gian chính điện, thờ Quán Thế Âm Bồ Tát (người vùng biển Trung Hoa và Việt Nam gọi là Phật Quan Âm Nam Hải) ở gian hậu cung theo mô hình “Tiền thánh hậu phật”. Ngoài ra ở hậu cung còn thờ Thiên Hậu, Kim Đẩu và 12 bà mụ. Về quy mô, tuy chùa Ông có vẻ khiêm nhường so với các ngôi chùa thờ Quan Công ở Hội An (Quảng Nam), nhưng ở đây có sự kết hợp hài hòa các yếu tố kiến trúc Hoa – Việt trong một tổng thể giàu tính thẩm mỹ. Theo hồ sơ của Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi, chùa có tổng diện tích 2.730m2, bao gồm vườn chùa, tam quan, sân chùa và chùa. Tất cả được bao bọc bởi vòng 1, thành cao 1,2m, dày 0,5m theo kiểu chấn song con tiện. Chùa quay mặt về hướng đông. Từ ngoài vào, các công trình kiến trúc được bố trí trên một trục đạo, bố cục chặt chẽ, đăng đối theo tuần tự gồm: cổng tam quan, bình phong - trụ biểu, lầu trống - lầu chuông và chùa. Hai bên mặt tiền có hai cổng phụ thấp, phía sau chùa là miếu thờ Tiêu Diện Đại Sỹ. Cổng tam quan cấu trúc một gian, bốn cột, hai bộ vì chống rường trái bí, theo lối tam hoành. Hoành thứ 3 uốn cong hình thuyền trang trí đầu rồng đuôi phượng. Các hoành liên kết với nhau qua các vì chồng và gác qua đầu cột. Mái tam quan lợp ngói âm dương, đỉnh mái uốn cong dáng thuyền, trang trí hình rồng, đuôi phủ dây leo thực vật. Bờ mái trang trí dạng ô hộc với năm ô trang trí. Hai bên tả hữu cổng tam quan là miếu thờ bà Thiên Hậu. Bình phong cao 2m, bằng tam hợp chất, mặt trước đắp nổi hình mãnh hổ nhe răng vểnh đuôi trông rất sống động, mặt sau đắp nổi hình con ly trên cụm mái. Hai bên bình phong là hai trụ biểu. Lầu chuông, lầu trống xây dựng đăng đối qua trục đạo. Chùa Ông hiện còn giữ 6 bia đá, văn bia chữ Hán, tạo dựng vào các năm 1895 (Thành Thái thứ 7 ), 1920 (Khải Định thứ 5), là các năm chùa trùng tu. Bia đá trang trí chạm nổi lưỡng long tranh châu ở trán bia, diềm bia trang trí đầu rồng mình quấn dây leo thực vật. Văn bia ghi lại danh sách những người cúng tiền trùng tu gồm tên người, nơi ở, số tiền cúng. Nhìn chung, nghệ thuật trang trí ở chùa Ông đạt đến trình độ khá tinh xảo, đặc biệt là kỹ thuật đắp nổi, chạm nổi, chạm thủng, chạm lộng trên các bình phong, vách gỗ, khám thờ, vì kèo, bẫy hiên, trụ chồng, tượng, diềm bia...Chùa Ông có sự giao thoa, kết hợp hài hòa các yếu tố kiến trúc của người Việt và người Hoa. Bên cạnh cấu kiện và vật liệu chủ yếu của nhà rường truyền thống ở miền Trung (các vì kèo chồng rường chày cối, vì kèo chồng rường giả thủ) còn có sự xuất hiện vì kèo trốn trính chuyền của đồng bằng Bắc Bộ và bộ vì kèo chồng rường trái bí phong cách Hoa Bắc. Chùa Ông được Bộ Văn hóa Thông tin và Thể thao (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận Di tích quốc gia theo quyết định số 43 Văn Hóa /Quyết Định ngày 7/1/1993. Nguồn Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Ngãi.

Quảng Ngãi 347 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia.

Mở cửa

Điểm di tích nổi bật

Điểm du lịch tại Quảng Ngãi