Ứng dụng thuyết minh khám phá du lịch Việt Nam

Khám phá lịch sử, văn hóa, con người và cảnh đẹp Việt Nam trên ứng dụng du lịch Travelviet

Tải ứng dụng Travelviet

Logo Travelviet

Chùa Giác Lâm

Chùa Giác Lâm

Tọa lạc ở địa chỉ số 565 đường Lạc Long Quân, phường 10, quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh. “Chùa ở trên gò Cẩm Sơn, cách phía Tây lũy Bán bích ba dặm...Cây cao như rừng, hoa nở tựa gấm, sáng chiều mây khói nổi bay quanh quất, địa thế tua nhỏ mà nhã thú...” (Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí). Chùa Giác Lâm được xem là tổ đình của phái Lâm Tế, thiền sư Viên Quang (đời thứ 36) là vị trụ trì đầu tiên. Chùa được xây dựng từ năm 1744, từ đó đến nay dù đã trải qua 4 lần trùng tu lớn vào các năm 1798 – 1804, 1900 – 1909, 1939 – 1945, 1992 – 1994, tuy nhiên đến nay hệ thống cổ vật vẫn được bảo tồn gần như nguyên vẹn. Bửu Pháp Xá Lợi cao bảy tầng thờ viên ngọc Xá Lợi Phật được đại đức Narada từ Sri-Lanka tặng cho Giáo hội Phật giáo cổ truyền là địa điểm thu hút nhiều du khách. Vườn chùa có 38 tháp thờ các vị tăng sĩ và khu tháp các vị tổ của chùa. Rảo bước vào bên trong, ngôi chánh điện nép mình khiêm tốn dưới hàng cây cổ thụ xanh mát. Mang phong cách kiến trúc chữ tam truyền thống của chùa cổ Nam Bộ, chùa Giác Lâm gồm ba dãy nhà ngang nối liền nhau gồm chính điện, giảng đường và nhà trai, mái chùa dạng bánh ít đặc trưng, trên đỉnh mái là hình ảnh “lưỡng long tranh châu” quen thuộc trong văn hóa Việt Nam. Mái ngói, màu tường nâu vàng trầm ấm cùng các họa tiết sành sứ được trang trí cực kì tỉ mỉ và điêu luyện. Với hơn 7.000 đĩa trang trí, chùa Giác Lâm hiện sở hữu kỷ lục ngôi chùa có số lượng đĩa kiểu trang trí nhiều nhất Việt Nam. Chính điện bài trí 113 pho tượng cổ bằng gỗ mít, 5 pho tượng bằng đồng, 86 câu đối chữ Hán được chạm khắc vô cùng sống động, tinh xảo, thể hiện sự tài hoa đáng ngưỡng mộ của các nghệ nhân xưa. 2 bộ tượng La Hán bằng gỗ thếp vàng, bộ nhỏ có niên đại thế kỷ 18,19 với trang phục nhà Phật giản dị, ánh mắt vô ưu, cử chỉ thân thiện và khuôn miệng như chuẩn bị nở nụ cười, tạo cho du khách cảm giác gần gũi như đang đứng trước những con người Nam Bộ thân quen bình dị mà ta có thể bắt gặp đâu đó trong cuộc sống đời thường. Hệ thống bao lam, hoành phi, phù điêu, câu đối, liễn...được thếp vàng, chạm khắc tinh xảo, trang trí thêm các đường viền hoa lá, kỉ hà với các biểu tượng phong phú tiêu biểu cho văn hóa Nam Bộ và chủ đề quen thuộc trong Phật giáo như “lưỡng long triều nguyệt”, “lưỡng long tranh châu”, các đề tài thực vật, động vật thân thuộc: tùng hạc, trúc tước, mai điểu, cúc điệp, sóc nho, mai, lan cúc, trúc, trái bí, trái bầu, trái mãng cầu… Một số môtip có cẩn ốc xà cừ, ô hộc thể hiện phong cách nghệ thuật triều Nguyễn. Trải qua thời gian của chiều dài lịch sử, với những giá trị văn hóa đặc sắc, Chùa Giác Lâm được Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là Di tích Kiến trúc Nghệ thuật Quốc gia theo Quyết định số 1288-Văn Hóa /Quyết Định ngày 16 tháng 11 năm 1988. Nguồn Cổng thông tin điện tử quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh.

TP Hồ Chí Minh 119 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia.

Mở cửa

Điểm di tích nổi bật

Điểm du lịch tại TP Hồ Chí Minh

Khách sạn tại TP Hồ Chí Minh