Ứng dụng thuyết minh khám phá du lịch Việt Nam

Khám phá lịch sử, văn hóa, con người và cảnh đẹp Việt Nam trên ứng dụng du lịch Travelviet

Tải ứng dụng Travelviet

Logo Travelviet

Hội quán Ôn Lăng (chùa Quan Âm)

Hội quán Ôn Lăng (chùa Quan Âm)

HỘI QUÁN ÔN LĂNG tọa lạc tại số 12 đường Lão Tử, Phường 11, Quận 5 Hội quán Ôn Lăng, còn được gọi là chùa Quan Âm. Hội quán Ôn Lăng, còn được gọi là chùa Quan Âm, là trụ sở của hội đồng hương những di dân người Hoa nguyên quán ở phủ Tuyền Châu, tỉnh Phước Kiến (Trung Hoa). Hội quán được xây dựng vào khoảng nửa cuối thế kỷ thứ 18 và đã được trùng tu vào các năm 1828, 1867, 1897, 1993, 1995. Năm 1809, Ban Quản trị hội quán đã xây thêm một hồ phóng sinh trước hội quán, để “trấn mạch tụ khí” cho miếu thờ được linh thiêng. Ngoài Thiên Hậu Thánh Mẫu là vị thần được thờ ở gian giũa chính điện, hội quán Ôn Lăng còn thờ các vị Ngọc Hoàng Thượng Đế, Bà Chúa Sinh, Phúc Đức Chính Thần (Thần Thổ Địa), Quan Đế, Bao Công, Văn Xương Đế Quân (vị Thần ban phước lộc), Mã Tướng Quân, Thần Thành Hoàng Bổn Cảnh, Phật Thích Ca, Phật Di Đà, Thiên Phụ Địa Mẫu, Tử Vi, Hoa Quang Đại Đế (Thần Tài), Tề Thiên Đại Thánh. Đặc biệt, án thờ Bồ Tát Quan Thế Âm được đặt trong sân phía sau chính điện với tượng thờ Quan Âm cao gần hai mét đứng trên tòa sen, hai bên có Kim Đồng, Ngọc Nữ theo hầu. Mặt bằng tổng thể của hội quán gồm một khoảng sân nhỏ phía trước, một khối nhà hình chữ nhật ở giữa (gồm tiền điện, sân thiên tỉnh, trung điện, chính điện) và ba khối nhà vuông góc nhau tạo thành hình chữ U bao bọc khối nhà này, khoảng giữa các khối nhà là lối đi khá rộng rãi. Hội quán được xây dựng và trang trí theo phong cách đặc trưng của đền miếu Phước Kiến với kiểu kiến trúc “tứ hợp diện”, mái lợp ngói ống, đầu các xà gồ dưới mái hiên được chạm trổ hình bông sen…Giá trị nghệ thuật của hội quán thể hiện qua các phù điêu hình hai con rồng tranh viên ngọc, chim phượng hoàng và các mô hình thành quách, người, thú… bằng gốm được trang trí trên mái ngói; cặp tượng kỳ lân bằng đá chầu hai bên cửa gồm tượng lân giáo tử (lân mẹ đang dạy lân con) và tượng lân hàm châu (lân ngậm ngọc trong miệng); những mảng phù điêu bằng gỗ chạm trổ tinh xảo trang trí ở mặt tiền và trên các vì kèo; các bao lam cửa, bao lam khám thờ chạm trổ tinh tế hình mai – điểu (hoa mai – chim sẻ), trúc – tước (cây trúc – chim tước), ngô đồng – phượng (cây ngô đồng và chim phượng), 16 cặp liễn, 23 hoành phi (có niên đại từ năm 1826 đến năm 1908), chuông đồng đúc năm Ất Dậu (1885) và tượng các vị thần thánh được tạo tác chân phương, gần gũi với đời thường. Thiên Hậu Thánh Mẫu là vị thần được thờ chính nhưng về sau việc thờ Quan Âm được coi trọng hơn nên hàng năm lễ hội Quan Âm được tổ chức rất long trọng trong ba ngày 17 tháng 6 âm lịch. Ngoài việc tế lễ, Ban Quản trị còn phát lộc cho người đến tham dự. Hội quán Ôn Lăng đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia theo Quyết định số 39/2002/Quyết Định -Bộ Văn Hóa Thông Tin ngày 30 tháng 12 năm 2002. Nguồn Cổng thông tin điện tử quận 5, thành phố Hồ Chí Minh.

TP Hồ Chí Minh 174 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia.

Mở cửa

Điểm di tích nổi bật

Điểm du lịch tại TP Hồ Chí Minh

Khách sạn tại TP Hồ Chí Minh