Ứng dụng thuyết minh khám phá du lịch Việt Nam

Khám phá lịch sử, văn hóa, con người và cảnh đẹp Việt Nam trên ứng dụng du lịch Travelviet

Tải ứng dụng Travelviet

Logo Travelviet

Khu lưu niệm mộ Cụ Phan Châu Trinh

Khu lưu niệm mộ Cụ Phan Châu Trinh

Phan Châu Trinh là nhà cách mạng xã hội có tư tưởng dân chủ sớm nhất trong số các nhà nho yêu nước tiến bộ đầu thế kỷ XX. Cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của Ông đã để lại nhiều bài học lớn cho thế hệ hôm nay. Phan Châu Trinh, hiệu là Phan Tây Hồ, sinh ngày 09/9/1872 tại huyện Tiên Phước, phủ Tam Kỳ nay thuộc huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam, trong một gia đình quan võ triều Nguyễn. Thân sinh ông từng tham gia phong trào Cần Vương trong tỉnh. Năm 1892, ông đi học và nổi tiếng học giỏi. Bạn cùng học với ông là Huỳnh Thúc Kháng. Năm 1900, ông đỗ Cử nhân. Năm 1901, ông đỗ Phó bảng, đồng khoa với tiến sĩ Ngô Đức Kế và Nguyễn Sinh Sắc. Năm 1902, ông vào học Trường Hậu bổ, sau ra làm Thừa biện Bộ Lễ. Ít lâu sau ông từ quan, tham gia hoạt động cứu nước. Ông kết giao với nhiều sĩ phu yêu nước như Huỳnh Thúc Kháng và Phan Bội Châu. Ông cùng các bạn đi khắp Việt Nam cổ vũ đấu tranh và liên kết trí thức, văn sĩ yêu nước. Năm 1905 và 1911, Phan Châu Trinh sang Nhật Bản rồi sang Pháp để học hỏi, tìm con đường thoát khỏi ách cai trị của người Pháp. Nhà yêu nước Phan Châu Trinh hoạt động tích cực, sôi nổi trong phong trào Duy Tân giai đoạn đầu thế kỷ XX, ông chọn con đường dấn thân đấu tranh nhưng ôn hòa, bất bạo động, coi dân chủ cấp bách hơn độc lập và coi việc dùng pháp luật, cai trị quy củ có thể quét sách hủ bại phong kiến. Các năm 1906, 1919 và 1920, Phan Châu Trinh ba lần gửi một bức thư yêu cầu nhà cầm quyền Pháp phải thay đổi chính sách cai trị ở Việt Nam và Đông Dương. Năm 1908, ông bị thực dân Pháp bắt và đày đi Côn Đảo. Giữa năm 1910 ông được thả và về an trí ở Mỹ Tho. Tháng 4 năm 1911, ông xuống tàu sang Pháp, tiếp tục đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ, gióng lên tiếng nói tố cáo chế độ thuộc địa, đánh động dư luận Pháp. Tại đây, ông lại bị Pháp bắt giam lần thứ 2 trong 10 tháng, từ tháng 9 năm 1914 đến tháng 7 năm 1915. Ngày 16/7/1915, Phan Châu Trinh được tuyên bố trắng án và trả tự do. Sau đó, ông chuyển sang tiếp tục hoạt động bí mật trong các nhóm Việt kiều yêu nước, thích nghi với hoàn cảnh mới tại Pháp. Sau 14 năm, ngày 26/6/1925 Phan Châu Trinh về đến Tổ quốc, với mục tiêu và khẩu hiệu “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”. “Khai dân trí” là: bỏ lối học tầm chương trích cú, mở trường dạy chữ Quốc ngữ, kiến thức khoa học thực dụng, bài trừ hủ tục xa hoa.“Chấn dân khí” là: thức tỉnh tinh thần tự lực tự cường, mọi người giác ngộ được quyền lợi của mình, giải thoát được nọc độc chuyên chế. “Hậu dân sinh” là: phát triển kinh tế, cho dân khai hoang làm vườn, lập hội buôn, sản xuất hàng nội hóa... Ông công bố chủ trương đường lối "Trước tiên cần phát triển giáo dục, nâng cao trình độ nhân dân về ý thức dân chủ tự cường và phát triển xã hội, kinh tế" với mục tiêu cuối cùng là giành lại độc lập dân tộc. Phan Châu Trinh yêu cầu chính quyền thuộc địa sửa đổi chính sách cai trị hiện hành để có thể giúp nhân dân Việt Nam từng bước tiến đến văn minh. Ông đề cao phương châm "Tự lực khai hóa", vận động những người cùng chí hướng thức tỉnh dân chúng, tuyên truyền tư tưởng dân quyền. Ngày 24/3/1926 ông qua đời, trên miệng còn kịp mỉm cười chào người bạn tâm giao Huỳnh Thúc Kháng và lời trăn trối "Độc lập dân tộc sở cậy Nguyễn Ái Quốc". Di tích khu lưu niệm mộ Cụ Phan Châu Trinh mang giá trị văn hóa lịch sử của giai đoạn đầu thời kỳ kháng chiến chống Pháp trước khi có Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo, góp phần tô thắm thêm trang sử vàng truyền thống cách mạng của dân tộc Việt Nam. Là chứng cứ lịch sử giáo dục lòng yêu nước, niềm tự hào về tấm gương cách mạng sáng ngời của bậc tiền nhân cho các thế hệ chúng ta noi theo. Bia mộ của Người là công trình công phu, ghi lại thân thế và sự nghiệp của Người do Huỳnh Thúc Kháng soạn thảo. Ngoài ra, khu lưu niệm còn trưng bày lưu giữ những hiện vật, bút tích trong quá trình hoạt động cách mạng của Nhà yêu nước Phan Châu Trinh. Với những giá trị quý báu trên, ngày 12/12/1994 nơi an nghỉ của Người đã vinh dự được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Vào ngày 24/3 hằng năm, Quận ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và nhân dân quận Tân Bình tụ họp về đây trang trọng tổ chức Lễ tưởng niệm nhà chí sỹ yêu nước, một đời nặng nợ với mục tiêu “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”. Lễ dâng hương tưởng niệm ngày mất nhà chí sỹ yêu nước Phan Châu Trinh trở thành hoạt động thường niên của Quận. Nguồn Cổng thông tin điện tử quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh.

TP Hồ Chí Minh 126 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia.

Mở cửa

Điểm di tích nổi bật

Điểm du lịch tại TP Hồ Chí Minh

Khách sạn tại TP Hồ Chí Minh