Vườn Cơ Hạ tọa lạc ở góc Đông Bắc Kinh Thành Huế, phía trước giáp với phủ Nội vụ, phía sau giáp khu Hậu Hồ, hai mặt Đông Tây giáp phía tường Hoàng Thành và Tử Cấm Thành.Hiện tại, Cơ Hạ viên thuộc địa phận phường Thuận Thành, Thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Không chỉ có diện tích rộng lớn, gần 5 mẫu (2,3ha), khu vườn còn được xem là một kiệt tác vườn cung đình vì sự công phu và tinh tế từ cấu trúc cho đến hệ thống cây cảnh. Khi mới được xây dựng vào đầu thế kỷ 19, nơi đây được xem là Cơ Hạ đường, tức là khu dành cho các Hoàng tử học tập, vui chơi. Cho đến năm 1837, vua Minh Mạng mới cho đổi thành khu vườn ngự uyển, đồng thời nâng cấp lên cho rộng và trồng thêm nhiều cây. Dù vậy, mãi đến thời vua Thiệu Trị (1841-1847) thì khu vườn mới thật sự mang "chiếc áo mới" và trở nên nổi tiếng vì được xây thêm nhiều công trình khác như đình, viện, đài, tạ, mà ấn tượng nhất chính là dãy trường lang hình chữ khẩu bao quanh các công trình chính, được biết đến nhiều nhất với tên gọi Tứ Phương Ninh Mật Hồi Lang. Cơ Hạ được lấy từ ý "Vạn Cơ Thanh Hạ", có nghĩa là sự thanh nhàn trong muôn vàn cơ sự. Với tên gọi này, các vị vua Nguyễn dựng vườn nhằm mục đích tạo ra một nơi nghỉ ngơi, đi dạo ngắm cảnh nhàn nhã giữa chốn cung đình, sau nhiều lo toan và bận rộn vì muôn ngàn công việc triều chính. Dựng vườn ngay trong cung cũng vì không muốn quá tốn kém và cũng tiện cho việc di chuyển từ chốn nội cung sang.Cơ Hạ viện bao gồm một quần thể sông hồ, núi động, lầu tạ kết hợp với hệ thống cung điện liên hoàn. Giữa các công trình kiến trúc và cảnh trí thiên nhiên có sự hài hòa, cân đối nhau tạo nên sự mềm mại thơ mộng. Bên cạnh đó còn có một khu hồ nước gọi là Minh Hồ nằm ở giữa vườn với hoàn đảo nhỏ ở trung tâm, trên đảo có một lầu gác gọi là Quang Biểu. Còn có một chiếc cầu nhỏ bắc qua được gọi là Kim Nghệ Ngọc Đống. Bên trái Minh Hồ có đài tạ gọi là Hoà phong, bên phải là hành lang Khả Nguyệt. Cổng chính của Cơ Hạ viên quay mặt về phía Nam, thường được gọi là Thượng Uyển môn. Phía Đông khu vườn có Minh Lý Thư Trai, phía Tây là công trình hiên Nhật Thận. Ngoài ra, phía sau lưng Minh Hồ còn có một lầu nhỏ gọi là Thưởng Thắng, xây mặt về hướng Bắc. Điện chính trong vườn Cơ Hạ có tên là điện Khám Văn với khu đại sảnh gọi là Minh Lý, lợp ngói lưu li vàng. Ngoài ra, còn có nhiều công trình khác ở các hướng. Vườn Cơ Hạ ngày xưa từng là khu vườn ngự uyển đẹp bậc nhất của Hoàng cung Huế. Ngày nay dù trải qua nhiều biến đổi và hư hại nhiều nhưng vẫn phảng phất dấu tích của khu vườn xưa đất cũ với dáng sông dáng núi, lầu, tạ một thời. Tất cả gợi nên cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp hài hòa với các công trình kiến trúc của cố đô, nhất là Đại Nội. Ngày nay, đến thăm Cơ Hạ, bạn sẽ cảm nhận được nét lặng êm đềm giữa xứ Thần Kinh, ẩn chứa vẻ đẹp quyến rũ đầy chất thơ của một khu vườn xưa cũng như có cơ hội khám phá thêm những nét độc đáo của nghệ thuật cây cảnh xứ Huế, bên cạnh những địa điểm du lịch Huế nổi tiếng khác như làng hương Thủy Xuân hay cồn Hến, làng cổ Thủ Lễ.
Thừa Thiên Huế 432 lượt xem Từ tháng 03 đến tháng 08
Ngày cập nhật : 04/03/2025